Vào một buổi trưa đầu Xuân năm Ất Mùi (2015), tôi vừa đi họp về đến cổng Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân thì gặp một đôi vợ chồng trẻ bẽn lẽn hỏi thăm:
– Chú ơi! Chú có phải là phóng viên Báo Quân đội nhân dân không?
Sau cái gật đầu và nụ cười thân thiện của tôi, cô gái trẻ mạnh dạn đặt vấn đề:
– Hai vợ chồng cháu từ Bắc Giang xuống đây, muốn nhờ chú tìm giúp một chú bộ đội tên là Đồng ở Tổng cục Hậu cần. Chú ấy là ân nhân đã cứu cháu hơn 3 năm về trước…
Lên phòng làm việc của tôi, cô gái đưa cho tôi xem chứng minh nhân dân và tự giới thiệu, tên cô là Phan Thị Lệ ở thôn Đình Phú, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Lệ kể với tôi rằng, cô không thể nào quên cái buổi chiều định mệnh ấy. Đó là thời điểm cuối tháng 12-2011. Khi đó Phan Thị Lệ đang là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau buổi học, cô đi xe buýt ra bến xe Gia Lâm để bắt ô tô về quê Bắc Giang. Vừa bước xuống xe, cô bị một người đi xe gắn máy đâm vào, rồi họ bỏ chạy…
Lệ nức nở nhớ lại:
“Sau khi bị tai nạn, cháu nằm bất động. Máu chảy ra rất nhiều vì cổ tay của cháu bị một vật gì đó cứa vào làm đứt động mạch. Hôm đó trước khi lên xe buýt, cháu uống thuốc chống say tàu xe và người cháu rất gầy lại mắc bệnh hen suyễn nên khi bị tai nạn, bọt mép cháu sùi ra. Có lẽ vì thế mọi người tưởng cháu nghiện ma túy nên không ai dám băng bó vết thương và đưa đi cấp cứu. Cháu đau đớn nằm và nghĩ tới cái chết đang đến rất gần… Bên tai cháu chỉ nghe thấy tiếng “con nghiện”, “con nghiện tự tử”… của những người đứng xung quanh…
Đúng lúc đó, cháu nhận ra có ai đó đã buộc vết thương ở tay cháu, hô hấp nhân tạo và bế cháu lên…
Cháu cũng nhìn được mặt của chú ấy. Bây giờ nếu gặp, cháu cũng sẽ nhận ra…
Chuyện vị quân nhân cứu người như trong cổ tích
Trung tá Đào Phú Đồng và gia đình cháu Phan Thị Lệ.
Đến khi cháu tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Các bác sĩ và hộ lý nói rằng, cháu đã được một chú bộ đội đưa đến bệnh viên cấp cứu. Chú bộ đội còn làm thủ tục giúp cháu nhập viện, trả tiền viện phí ban đầu cho cháu là 3 triệu đồng.
Cháu có hỏi tên và địa chỉ của chú bộ đội ấy thì nhận được câu trả lời: Không biết. Một cô bác sĩ bảo với cháu:
“Khi cô hỏi thì chú ấy nói tên là Đồng, công tác ở Tổng cục Hậu cần”.
Từ đó đến nay, cháu đã đi tìm chú Đồng khắp nơi để cảm ơn và trả lại tiền nhưng mãi chưa tìm được. Có người mách cháu đến Báo Quân đội nhân dân nhờ, may ra tìm được. Chú cố gắng tìm giúp cháu nhé.”
Hành trình đi tìm vị quân nhân tên Đồng
Tôi hứa với Phan Thị Lệ và người chồng của cô, sẽ tìm chú bộ đội tên là Đồng ở Tổng cục Hậu cần. Thế nhưng đến khi vào Tổng cục Hậu cần đặt vấn đề với các đồng chí lãnh đạo tổng cục thì mới thấy đó là công việc không dễ dàng bởi lẽ Tổng cục Hậu cần có rất nhiều đơn vị, đóng quân trên địa bàn cả nước. Theo hồ sơ cán bộ và hồ sơ quân nhân chuyên nghiệp thì trong tổng cục có nhiều người tên là Đồng. Không biết cụ thể họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, quê quán thì khác nào “mò kim đáy bể”…
Tôi cũng đã nhờ nhiều bạn bè công tác ở Tổng cục Hậu cần tìm giúp nhưng mãi vẫn chưa ra vì không có đơn vị nào trong tổng cục báo cáo có cán bộ, nhân viên đơn vị cứu người.
Thế rồi, một vận may đến với tôi. Vào cuối tháng 6 vừa qua, trong một lần đến làm việc với Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), tôi gặp một đồng chí Trung tá có gắn biển tên Đào Phú Đồng. Linh cảm của tôi mách bảo, đây chính là người mình cần tìm. Tôi hỏi Đồng:
– Có phải đồng chí đã cứu một cô gái cách đây gần 4 năm ở gần bến xe Gia Lâm?
Đồng ngạc nhiên:
– Sao anh biết ạ?
Tôi kể lại cho Đào Phú Đồng nghe chuyện đã gặp cô gái có tên là Phan Thị Lệ ở Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, chuyện gần 4 năm qua Lệ đi tìm ân nhân…
Nghe xong, Đồng nói với tôi:
– Chuyện em cứu người là bình thường thôi. Vào tình huống đó chắc chắn nhiều quân nhân sẽ hành động như vậy.
Trung tá Đào Phú Đồng còn kể thêm với tôi một số tình tiết xung quanh việc cứu cô gái trẻ ấy. Lúc bấy giờ Đào Phú Đồng là trợ lý hậu cần của Cục Vận tải. Sau khi phát hiện ung thư tụy, Đồng được đơn vị cho nghỉ chữa bệnh. Hôm ấy Đồng đi lấy thuốc. Trên đường đi, Đồng thấy một cô gái trẻ bị tai nạn. Do bị đứt động mạch nên máu ra rất nhiều, nhưng chẳng có ai đến băng bó. Không ngần ngại, Đồng cởi ngay áo lót của mình và dùng kiến thức đã học từ Trường Sĩ quan Hậu cần để băng bó vết thương, sơ cứu ban đầu. Mọi người thấy vậy còn nhắc anh: “Anh bộ đội ơi! Cẩn thận, con nghiện đấy”…
Khi thấy Đồng bế cô gái lên nhờ cánh lái xe ôm đứng quanh đó đưa đến bệnh viện, không ai dám nhận chở vì họ sợ nạn nhân nghiện ma túy, có thể bị lây nhiễm HIV/AIDS. Tình thế lúc đó nếu để chậm có thể nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân. Đồng bỏ lại túi thuốc của mình rồi bế cô gái chạy thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
May thay, trên đường đi, Đồng đã gặp được một người đi xe gắn máy tốt bụng. Anh này đã đưa Đồng và nạn nhân đến bệnh viện rồi cùng Đồng đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu.
Làm thủ tục nhập viện và trả tiền viện phí xong, Đào Phú Đồng vội vã về đơn vị ngay “vì lúc đó đã là 21 giờ và quần áo em dính nhiều máu quá”- Đồng kể lại.
“Có điều kỳ lạ là sau khi cứu người, sức khỏe của em hồi phục rất nhanh. Đến nay, trong cơ thể em không còn tế bào ung thư nữa”-Đồng cho biết.
Cuộc hội ngộ thấm đẫm nước mắt
Sau khi gặp Trung tá Đào Phú Đồng ở Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), tôi báo ngay cho cháu Phan Thị Lệ biết. Cả hai vợ chồng Lệ mừng lắm, xin được gặp chú Đồng ngay. Thế nhưng, khác với cháu Phan Thị Lệ, Trung tá Đào Phú Đồng lại không muốn gặp người mình đã cứu gần 4 năm về trước. “Em ngại lắm, chuyện đó có gì đáng nói, có gì phải cảm ơn đâu…”. Trao đi, đổi lại và thuyết phục mãi qua điện thoại, đến khi Đồng nhận lời gặp thì lại là lúc Phan Thị Lệ sinh em bé. Một tháng sau khi “mẹ tròn con vuông”, Lệ mới về Hà Nội gặp được ân nhân đã cứu mình gần 4 năm trước.
Tôi lại là người may mắn được chứng kiến cuộc gặp mặt xúc động này. Đó là một ngày thu rất đẹp của Hà Nội. Nhận ra người đã cứu mình gần 4 năm trước, Lệ chạy tới ôm chặt. Nước mắt Lệ ướt đầm vai áo của Đồng. Trung tá Đào Phú Đồng cũng xúc động không kém. Lệ gọi Đồng bằng bố, xưng con.
Lệ kể với chúng tôi rằng, sau khi được Đồng đưa vào viện và được cứu sống, Lệ không học đại học nữa mà về quê vì nghỉ học quá dài. Thật may mắn, sức khỏe của cô hồi phục rất nhanh và Lệ đã chọn được người tâm đầu ý hợp. Gia đình hai bên tổ chức lễ thành hôn cho hai người vào mùa thu năm ngoái.
“Lúc cưới, con chỉ ước ao có bố Đồng bên cạnh. So với hồi con bị tai nạn, bây giờ con tăng được gần 10 cân và không còn mắc bệnh hen suyễn nữa. Nhìn con béo tốt như thế này, chắc chẳng còn ai bảo con là con nghiện nữa” – Lệ xúc động nói.
Theo đề nghị của gia đình cháu Lệ, Trung tá Đào Phú Đồng trở thành bố nuôi của cặp vợ chồng trẻ này. Vợ chồng Phan Thị Lệ xin trả lại tiền viện phí mà Đồng đã nộp tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang gần 4 năm về trước, nhưng Đồng nói rằng :
– Coi như ông đã nhận rồi, đây là quà ông gửi cho cháu.
Biết tôi có ý định đưa câu chuyện cứu người của Đồng lên báo, Đào Phú Đồng năn nỉ:
– Chuyện em cứu người là lẽ bình thường. Đức Phật đã dạy rằng, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Quân đội cũng đã luôn dạy em là phải kính trọng, lễ phép, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Vì thế, sau khi cứu cháu Lệ, em cũng không báo cáo với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Sau lần cứu người đó, đến nay sức khỏe em đã bình phục. Đó là hạnh phúc lớn của đời em.
Thuyết phục mãi, cuối cùng tôi cũng được Đồng nhất trí để tôi chép lại câu chuyện có hậu như cổ tích này.
Bài & ảnh: Đỗ Phú Thọ