Bản chất của sự Lười biếng là gì?

Lười trông có vẻ như là một trạng thái rất thư giãn nhưng đằng sau đó lại hàm chứa nhiều lí do khác. Nếu bạn thấy mình “quá lười”, bạn có thể kiểm tra xem sự lười biếng của mình là do đâu:

1. Do tự vệ

Đối với một số người, “lười” chính là một kiểu tự vệ. Về mặt ý thức, những người này chỉ thể hiện mình đang “sợ phiền phức”; nhưng về mặt tiềm thức thì điều họ sợ lại chính là nhịp sống an toàn của họ bị phá vỡ. Nguyên nhân của sự sợ hãi này được chia làm các yếu tố:

Sợ thất bại

Người lười biếng lâu dài thường ở trong tình trạng không cố gắng vươn lên, nội tâm có thể là sợ sau khi cố gắng vẫn sẽ thất bại. Họ sợ nếu như bỏ nhiều công sức thì những khuyết điểm và những mặt không muốn bị người khác phát hiện sẽ bị phơi bày trước mọi người, và đó sẽ là một đòn nặng nề đối với họ.

Vì vậy, họ cho rằng tốt hơn hết là không nên thử những cách tốt hơn. Không thử những bước đi mới và từ chối mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn thì họ sẽ mãi mãi không thất bại. Họ có thể tiếp tục nói với bản thân, “Không phải là do tôi thất bại!”, mà là, “Vì tôi chưa từng thử qua.”. Với tình huống này, “lười” chỉ có tác dụng an ủi, tiếp tục duy trì lòng tự trọng không ổn định của những kẻ lười biếng.

Sợ thành công

Có rất nhiều người không muốn chăm chỉ và dùng sự lười biếng để trốn tránh thành công, bởi vì thành công của chính họ đồng nghĩa với việc bị người khác “tấn công”. Điều này thường thấy nhiều hơn ở phụ nữ. Với định kiến của xã hội về giới tính, một vài người phụ nữ sẽ không dám thừa nhận thành quả của chính mình. Họ cho rằng thành công không phải là thứ mình xứng đáng được nhận với tư cách là một người phụ nữ; thành công của chính mình sẽ gây cản trở cho quyền lợi hiện có, phá vỡ sự cân bằng hiện tại giữa các mối quan hệ và gây ra nhiều xung đột không đáng có.

Tôi từng thấy một trường hợp tư vấn thế này: một người phụ nữ sau khi thăng chức thì lại bắt đầu trì hoãn công việc. Trong quá trình tư vấn, tư vấn viên chỉ ra rằng, người này thực chất chỉ thông qua việc trì hoãn mà tránh khỏi xung đột trong các mối quan hệ. Sau khi được thăng chức, lương của cô ấy cao hơn của chồng, mà người chồng lại rất bảo thủ. Người phụ nữ này lo sợ sự thay đổi địa vị xã hội có thể sẽ phá hỏng mối quan hệ giữa hai người, vì vậy mới ép bản thân không được cố gắng thêm. Với tình huống này, “lười” là cách người này bảo vệ chính mình và tiếp tục duy trì các mối quan hệ xung quanh.

Sợ kì vọng

“Lười biếng” có thể khiến con người ta thoát khỏi rất nhiều việc không muốn làm. Bằng hình tượng “người lười biếng”, chúng ta không chỉ có thể thoát khỏi kì vọng từ người khác mà còn có thể tận hưởng cảm giác được khống chế mọi việc. Khi chúng ta tiếp xúc với một người lười biếng, chúng ta sẽ không có hi vọng quá cao đối với người đó, từ đó, chúng ta sẽ giao ít nhiệm vụ hơn cho họ. Điều này cũng giúp người lười biếng có thể dễ dàng thoát khỏi những trách nhiệm mà đáng lẽ ra họ phải đảm nhiệm.

Trên thực tế, những người chăm chỉ thường làm việc nhiều hơn chỉ vì mọi người dễ dàng kì vọng vào sự “chăm chỉ” của họ hơn.

2. Do bị động

Đối với rất nhiều người, nỗi sợ với mọi mâu thuẫn đã ăn sâu vào tiềm thức. Họ lo rằng nếu trực tiếp thể hiện ý kiến không đồng ý thì sẽ làm tổn hại tình cảm giữa các mối quan hệ, từ đó gây ra sự rạn nứt không đáng có. Vì thế, họ che giấu những cảm xúc không vừa lòng của họ, rồi chuyển sang trạng thái “lười” để gián tiếp thể hiện bất mãn và để đối phương tự biết sai sót của mình. Với tình huống này, bản chất của “lười” là bị động. Chúng ta có thể là cố ý, cũng có thể là chịu ảnh hưởng bởi tiềm thức.
Một đứa trẻ lười thường là đứa trẻ có cha mẹ không cho con họ bộc lộ sự tức giận một cách trực tiếp.

Lược dịch bởi: Miên | Bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả và được đăng tải tại Weibo Việt Nam

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *