Trong 10 năm sống ở Pháp, thỉnh thoảng vợ chồng tôi lại được một người Pháp hỏi câu này. Lúc ở trạm xăng, khi ở siêu thị, lúc ở bệnh viện, quán cà phê. Hầu hết những người hỏi đều ở độ tuổi trung niên trở lên.
Sau khi chúng tôi gật đầu xác nhận, họ hồ hởi nói rằng họ rất yêu Việt Nam. Và không để chúng tôi đi mất, họ vội vàng kể về những kỷ niệm họ đã có ở Việt Nam; họ từng đến đâu, làm gì, đã gặp những con người dễ thương ra sao.
Nếu chúng tôi có thời gian tiếp chuyện, họ sẽ hỏi han thêm về cuộc sống của chúng tôi ở Việt Nam, ở Pháp. Họ hẳn cũng mong chờ tìm những điểm chung giữa họ và chúng tôi về Việt Nam. Họ hẳn sẽ không mong chúng tôi nói: “Chúng tôi ra đi vì cuộc sống ở quê hương khó khăn quá”.
An lòng nơi đất khách
Lần gần đây nhất, tôi đưa mẹ vào viện gặp bác sĩ phẫu thuật. Mẹ tôi mang trọng bệnh và chuẩn bị trải qua cuộc đại phẫu thứ 2 ở Pháp.
Câu đầu tiên bác sĩ hỏi chúng tôi khi vừa bước vào phòng là: Các bạn là người Việt Nam hay người Trung Quốc? Khi biết chúng tôi là người Việt, ông nhìn tôi trìu mến và nói: “Tôi hiểu rất rõ văn hoá Việt Nam. Tôi có Việt Nam trong tim mình”.
Chỉ câu nói của ông thôi đã khiến cho mẹ tôi, một người không hiểu nhiều về văn hoá Pháp và không nói tiếng Pháp, thấy an lòng nơi đất khách. Giữa cuộc trao đổi về bệnh tình của mẹ tôi và ca phẫu thuật sắp tới, ông bác sĩ lại hỏi thăm tôi về gia đình, về công việc, về cuộc sống ở tôi ở Pháp, ở Việt Nam, như những người khác. Và ông không ngừng nhắc, ông yêu Việt Nam biết bao.
Trước đây, khi còn ở Việt Nam, tôi thường ít khi nghĩ về những khái niệm như “tinh thần dân tộc”, “lòng tự tôn dân tộc”, “niềm tự hào dân tộc”. Chúng quá xa xỉ với một cá nhân đơn giản như tôi. Tôi chẳng có thành tựu gì, tôi cũng chẳng thể nào mơ tưởng tới một tương lai đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Tôi chẳng là ai cả.
Nhưng cuộc gặp với những người Pháp yêu Việt Nam đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ.
Hoá ra họ yêu mến đất nước tôi trước hết vì những con người bình dị họ đã gặp trong cuộc sống hàng ngày, trong những chuyến công tác, hoặc những chuyến du lịch. Họ yêu thích sự cởi mở, thân thiện, cần cù, chăm chỉ, và tinh thần kiên cường của người Việt.
Những người họ đã gặp có thể là nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân, cũng có thể là học sinh, sinh viên, nhân viên phục vụ nhà hàng hay công nhân rừng cao su. Bằng một cách nào đó, những con người này đã góp phần tạo nên một sự thiện cảm về Việt Nam đối với những người Pháp mà tôi đã gặp.
Nếu chúng ta có Việt Nam trong tim
Cái vốn để xây dựng thương hiệu quốc gia thì quý nhất, nổi bật nhất và được nước ngoài ghi nhận chính là con người Việt Nam.
Trong nhiều năm nay, nhiều cá nhân và đơn vị đã bàn về chiến lược xây dựng Thương hiệu quốc gia. Họ cũng đã xác định Việt Nam lấy con người làm trọng tâm để phát triển thương hiệu. Trong thời đại số hoá, với sự phát triển của kinh tế tri thức, thì giá trị con người chính là một thứ quyền lực mềm, song lại vô cùng mạnh mẽ.
Càng đi xa, tôi mới càng thấm thía giá trị này. Tôi nhận thấy mỗi khi tôi đối diện với một người nước ngoài, thì bản thân tôi, ngoài đại diện cho chính mình, còn đại diện cho những giá trị dân tộc mà tôi được thừa hưởng. Với ý thức đó, tôi luôn cố gắng sống tử tế, và nuôi dạy con mình thành những người tử tế, dù sống hay làm gì ở bất kỳ nơi đâu. Tôi không thất thiết phải là “ai đó” mới có thể đại diện cho Việt Nam, hay quảng bá hình ảnh quê hương tôi với bạn bè quốc tế. Bất kỳ ai cũng có thể làm điều đó, nếu chúng ta có Việt Nam ở trong tim.
Tôi rất biết ơn những người Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người Pháp mà tôi từng gặp. Họ khiến tôi cảm thấy hãnh diện và tự tin khi xác nhận mình là người Việt. Tôi không biết họ đã làm những gì, nhưng đó hẳn là những điều tử tế. Nhờ vậy, tôi có thêm những người bạn Pháp yêu Việt Nam, và đôi khi, cũng nhận được những ưu ái nho nhỏ trong công việc. Tôi biết ơn vì những điều tử tế họ đã làm.
Yêu nước, hay tinh thần dân tộc, tôi nghĩ, đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé phi thường như vậy thôi.
Nguyên Kan