Nghiến răng trong khi ngủ là nghiến răng một cách vô thức. Nếu là người đang ngủ thì thường khó phát hiện, chỉ khi có người nằm cạnh nghe thấy và nói thì người bệnh mới biết, nó cũng giống như bệnh gáy. Chắc chắn rằng nhiều người cho rằng đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên phát sinh khi ngủ, mà không hề biết rằng nó hình thành do chịu nhiều tác động của bên ngoài và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể.
Bệnh lý nghiến răng có hai loại: nghiến răng trong khi ngủ và nghiến răng khi còn thức. Cả hai trường hợp trên đều gây thiệt hại về răng miệng, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh nghiến răng trong khi ngủ có xu hướng tồi tệ hơn so với khi còn thức.
Người mắc bệnh nghiến răng dễ gặp phải các biến chứng về răng như: mòn răng, mỏi cơ, răng lung lay, hỏng răng,…. Điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe và vẻ đẹp thẩm mỹ của mọi người. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh nghiến răng và làm sao để điều trị căn bệnh này?
Nguyên nhân nghiến răng:
– Nghiến răng có thể coi là một bệnh lý về răng miệng bị gây ra bởi tình trạng mất cân đối của cấu trúc răng và xương hàm khiến cho não bộ có xu hướng tạo lực nghiến cho răng để loại bỏ những cản trở mất cân đối này.
– Ngoài ra, các bệnh lý về thần kinh, liên quan đến các yếu tố tâm lý và thần kinh như căng thẳng, lo lắng hoặc ở những người có tính cách hiếu thắng, hoạt động quá mức… cũng là nguyên nhân khiến bạn bị nghiến răng khi ngủ.
– Mặt khác, bệnh lý về rối loạn giấc ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây nên chứng nghiến răng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy, ngủ chập chờn, mê sảng, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bóng đè hoặc ảo giác khi ngủ có liên quan mật thiết đối với tật nghiến răng.
Tác hại của bệnh nghiến răng
Bệnh nghiến răng có thể có những ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe răng miệng đặc biệt là sai lệch khớp cắn toàn hàm đồng thời là nguy cơ phát triển bệnh rối loạn khớp thái dương hàm.
– Những người bị bệnh nghiến răng trầm trọng có thể làm tổn thương nướu, làm hỏng các miếng hàn trám răng nếu có. Việc siết chặt hai hàm răng, ma sát qua lại giữa bề mặt nhai cũng như áp lực cắn xuống có thể khiến lớp ngoài của răng là men răng bị mòn đi, thậm chí làm nứt vỡ răng, gia tăng sự nhạy cảm của răng và các nguy cơ bệnh lý răng khác.
– Các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại cơ cắn ở cả hai bên, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông, đồng thời tác động lên khớp gây ra những tổn thương cấu trúc khớp như rối loạn khớp thái dương – hàm.
Tùy mức độ tổn thương khớp mà bệnh nhân sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau: đau khớp hàm, có tiếng kêu lụp cụp khi há miệng hoặc khi đang nhai, rối loạn vận động há miệng lệch, há miệng khó…
Một số cách có thể phòng và chữa trị bệnh nghiến răng khi ngủ:
Hạn chế sử dụng thức uống chứa caffeine và cồn
Caffeine sẽ gây khó khăn trong việc thư giãn khi ngủ. Đồ uống có cồn làm cho giấc ngủ không sâu và dẫn đến hiện tượng nghiến răng.
Biện pháp đơn giản nhất là thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp ích cho cơ thể hơn là dùng nhiều thức ăn nhanh, bánh kẹo và đồ uống có gas.
Giảm mức độ căng thẳng
Stress là một nguyên nhân phổ biến của tật nghiến răng. Bạn có thể giải tỏa stress bằng cách tập thể dục, thiền định, yoga…
Ngừng nhai những thứ không phải đồ ăn
Một số người có thói quen nhai bút hoặc các loại vật dụng khác. Điều này gây ra tật nhai không kiểm soát dẫn đến việc nghiến răng. Thói quen này còn khiến vi khuẩn xâm nhập vào miệng, làm rối loạn hoạt động khoang miệng. Bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc kẹo bạc hà để thay đổi dần.
Bổ sung canxi và magie
Cơ thể thiếu canxi và magie ảnh hưởng đến cơ và hệ thần kinh dẫn đến việc nghiến răng khi ngủ.
Thư giãn đúng cách trước khi ngủ
Uống trà thảo mộc, ví dụ như trà hoa cúc, xoa bóp cổ, vai và mặt trước khi ngủ giúp tâm trí cùng với cả cơ thể được thư giãn và cảm thấy thoải mái hơn.
Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng
Dụng cụ bằng silicone bảo vệ răng miệng được sử dụng trong y tế và thẩm mỹ giúp bạn khắc phục tật nghiến răng. Thời gian đầu khó sử dụng nhưng sẽ phù hợp với những ai mắc tật nghiến răng trong khi ngủ.