Trái hồng là một trong những loại trái cây mang tính biểu tượng cho mùa thu. Hằng năm vào khoảng tháng 8 đến tháng 12 là mùa hồng rộ trái nên không khó để thấy hồng được bày bán khắp các khu chợ. Hồng là loại cây ôn đới ưa mát mẻ và được trồng ở nhiều vùng trên đất nước mình. Điển hình như Đà Lạt và các tỉnh miền Bắc có khí hậu mát mẻ như Mộc Châu, Lạng Sơn, Hà Tĩnh,…
Nhiều người nghĩ rằng hồng Đà Lạt là tên của 1 loại hồng, thế nhưng ở nước mình có vô số loại hồng khác nhau dựa trên vùng trồng, hình dạng, màu sắc và hương vị… Phải kể đến nào là Hồng Chín Nên, hồng trứng, hồng vuông đồng, hồng Tám Hải… Tùy từng loại cây sẽ có những đặc điểm khác nhau mà chỉ nhà vườn mới có thể phân biệt được.
Vậy bạn đã biết cách phân biệt từng loại hồng chưa? Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến mọi người một số loại hồng ở Việt Nam nhé!
1. Hồng Chín Nên:
Hồng giòn Chín Nên được mệnh danh là đặc sản của Lâm Đồng. Loại này có vị ngọt thanh, giòn và xốp, đa số thường không hạt và có màu vàng nhạt đến vàng cam. Người ta gọi đây là hồng giòn Chín Nên vì từ mấy chục năm trước, ở vùng đất Phú Thuận có một người đàn ông tên là Chín Nên đã đem giống hồng này về ghép và trồng thành công.
2. Hồng trứng lốc
Hồng trứng lốc, Hồng trứng lửa, Hồng trứng láng đều cùng 1 loại hồng trứng. Sở dĩ gọi là hồng trứng vì có hình dáng và kích thước như quả trứng gà, thịt màu vàng nhạt, dai hơn và độ giòn không bằng hồng Chín Nên. Đây là loại hồng được ưu tiên lựa chọn để làm hồng treo gió, vì độ tươi ngon nên sẽ cho thành phẩm là những trái hồng treo gió mềm và dẻo, tách ra sẽ thấy được màu mật hổ phách óng ánh, vị ngọt dịu không hề gắt cổ.
3. Hồng trứng lửa
Được trồng nhiều ở Đà Lạt. Trái có hình dáng như cái trứng gà, màu vàng óng. Thịt giòn, xốp và vị ngọt thanh không quá đậm. Hồng này ăn giòn sẽ ngon hơn khi đã chín.
3. Hồng trứng láng
Có hình dáng như quả trứng gà với lớp vỏ ngoài trơn láng. Trái to hầu như không có hạt. Khi chín đổi màu từ vàng cam sang đỏ mọng. Thịt mềm và ngon ngọt vô cùng.
4. Hồng chén đá:
Hồng này có vị ngọt đậm đà hơn so với các loại hồng khác. Hồng giòn và ngọt, quả to như cái chén nên gọi là hồng chén, màu vàng tươi hoặc vàng cam đẹp mắt, bên trong thường không có hạt hoặc rất ít. Hồng chén được đánh giá là ngon thứ nhì chỉ đứng sau hồng giòn Chín Nên. Hồng này thường cần phải ủ hơi để chất chát thoát ra ngoài thì ăn mới giòn và ngọt.
5. Hồng Quế Hương:
Được trồng nhiều ở vùng Đơn Dương, Đà Lạt. Hồng quế hương có vị ngọt thanh, giòn và mỗi trái có từ 1-2 hạt. Trái to thon dài màu cam. Màu cam càng đậm thì hương vị càng ngon và thịt càng ngọt.
6. Hồng vuông đồng:
Hồng vuông đồng có lớp vỏ trơn, màu vàng cam, trái hơi dẹt và có các cạnh hình vuông, khi chín ngả màu đỏ tươi rất đẹp. Thịt hồng dẻo và chắc, vị ngọt và không có hạt nên rất được ưa chuộng. Hiện nay, hồng vuông được trồng nhiều tại vùng Phú Thuận, thị trấn D’ran, Đơn Dương, Đà Lạt. Đây cũng là 1 loại hồng có độ ngon lý tưởng được chọn làm hồng treo gió.
7. Hồng tim son:
Trái hồng có hình dáng đặc biệt nên được gọi là hồng tim son. Đặc điểm chung của loại này là trái to đều mọng nước, vỏ trơn và mướt. Có màu vàng cam bắt mắt, khi chín sẽ chuyển sang màu đỏ cam rất đẹp. Thịt có độ giòn và hương vị ngọt thanh vừa phải, ít hoặc không có hạt.
8. Hồng Nhân Hậu:
Được đặt tên theo một xã cũ của huyện Lý Nhân, nay được gọi với tên mới là xã Hòa Hậu. Đây là một loại hồng không hạt nổi tiếng của Đà Lạt và các tỉnh miền bắc nên còn được gọi là hồng vuông không hạt. Trái to và cân đối, cầm chắc tay, vỏ căng mọng và trơn mướt. Khi hồng chín sẽ chuyển từ màu đỏ tươi sang màu đỏ thẫm. Vì có lớp vỏ mỏng nên khi hồng chín, mình chỉ cần lột nhẹ lớp vỏ là có thể thưởng thức ngay được lớp thịt hồng giòn, ngọt và mọng nước.
9. Hồng Tám Hải:
Trái hồng có hình bầu dục và lớp vỏ căng tròn, kích thước lớn, trái thuôn dài có 4 khía. Khi chín sẽ chuyển dần từ màu vàng sang màu đỏ tươi, ruột nhiều nước và hầu như chỉ có từ 1-2 hạt hoặc rất ít hạt, thịt ngọt và mềm ăn rất ngon. Hồng Tám Hải được xếp chỉ sau hồng chín Nhân Hậu về độ ngon và ngọt.