1. Cấp chính quyền địa phương:
Chính quyền địa phương có ba cấp, thông thường hay gọi là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Mỗi cấp hành chính có nhiều loại hình đơn vị hành chính khác nhau. Theo quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Quy hoạch năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015) các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
– Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Huyện, quận, thị xã,thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; – Xã, phường, thị trấn. Riêng đơn vị hành chính với tên gọi đơn vịhành chính – kinh tếđặc biệt hiện mới được quy định trong Hiến pháp năm 2013, chưa có quy định chi tiết bởi luật, do vậy, chưa có trong thực tiễn, chưa xác định là cấp hành chính nào trong ba cấp hành chính nêu trên. Thành phố thuộc thành phố cũng chưa được xác định mô hình tổ chức trong thực tiễn.
2. Tổ chức chính quyền địa phương:
Gồm hai cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính (khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013)
– Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên (khoản 1 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015);
– Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên (khoản 1 Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân: nhiệm kỳ mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong. Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân sẽ theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội 12 quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ,Ủy ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Ủy ban nhân dân khóa mới.
3. Phân loại chính quyền địa phương: Theo khoản 2, 3 Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, có hai loại là:
– Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã;
– Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương; quận; thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường; thị trấn.
Vấn đề quản lý nhà nước đối với đời sống ở đô thị khác so với quản lý nhà nước ở nông thôn. Đô thị có một số đặc điểm sau đây đòi hỏi phải có sự phân biệt trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn: (i) Tập trung dân cư với mật độ cao, địa giới hành chính và điều kiện sinh sống của người dân khá chật hẹp; (ii) Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển có tính liên thông, đồng bộ; (iii) Nếp sống, văn hóa của người dân đô thị gắn liền với đặc điểm sinh hoạt, giao tiếp rất đặc thù khác với nông thôn; (iv) Là nơi dễ tập trung, phát sinh các tệ nạn xã hội gây phức tạp trong quản lý. Xuất phát từ các đặc điểm nói trên của đô thị, quản lý nhà nước ở đô thị đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trên mọi khía cạnh của quản lý nhà nước như tổ chức bộ máy, cơ chế, phương thức quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm…
Các đặc điểm của nông thôn tương phản với các đặc điểm của đô thị: (i) Dân cư tập trung với mật độ không cao và phần lớn đất đai thường được sử dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; (ii) Dân cư nông thôn là nơi cư trú tập trung của nhiều hộ gia đình gắn kết với nhau trong sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác; (iii) Không có chức năng làm trung tâm và tính tập trung cao như ở đô thị; (iv) Tính gắn kết trong những cộng đồng có quy mô nhỏ, phù hợp với cách quản lý theo kiểu tự quản, tự quyết định các vấn đề quan trọng. Với đặc điểm cơ bản của nông thôn là tính gắn kết cộng đồng rất cao, hạ tầng xã hội phát triển chưa cao, trình độ dân trí thấp hơn ở đô thị nên mô hình quản lý nhà nước ở nông thôn phải có những khác biệt so với đô thị. Những khác biệt này đặc biệt nhấn mạnh đến các khuôn khổ tự quản và tổ chức các cấp chính quyền. Do trình độ dân trí thấp hơn so với khu vực đô thị, cách thức quản lý giao tiếp cộng đồng cũng khác nên các vấn đề quản lý kinh tế – xã hội phải thể hiện tốt nhất 14 ý chí của cộng đồng. Áp dụng cơ chế quản lý hành chính trực tiếp và bỏ qua vai trò của cơ quan đại diện, dù trong điều kiện hệ thống pháp luật có hoàn thiện đến đâu cũng sẽ không phù hợp với địa bàn nông thôn.
4. Phân loại đơn vị hành chính: Theo khoản 3 Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có các loại đơn vị hành chính sau đây:
– Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
– Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
– Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.