Câu chuyện về Lòng tự trọng

Trên mạng đang rầm rầm vụ gần 50 học sinh một trường cấp 3 đi trễ vào ngày khai giảng, nhà trường không cho vào.

Sở giáo dục khiển trách nhà trường quá cứng nhắc, lẽ ra phải cho các em vào. Cư dân mạng chỉ trích nhà trường làm mất niềm háo hức dự lễ khai giảng của các em.

Rất nhiều ý kiến, rằng giáo dục là yêu thương, là bao dung, là nuôi dưỡng tâm hồn.

Tôi im lặng đọc nhiều điều, từ nhiều hướng. Tôi cũng chả muốn ý kiến ý cò về những chuyện thế này. Nhưng tôi chỉ hỏi vài câu bâng quơ.

1. Liệu các em có hào hứng không?

Không học sinh nam nào áo bỏ vào quần để bước vào trường. Không học sinh nào tỏ vẻ lo lắng và tiếc nuối. Các bạn ung dung lướt web thôi. Tôi nghi ngờ cái được cho là nỗi thất vọng của các em.

2. Liệu khi vào đời, có ai mở cửa cho các bạn khi đi trễ không?

Đúng giờ là đức tính quan trọng của một người có lòng tự trọng. Nếu bạn chuẩn bị tốt, bạn sẵn sàng, và bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ sự kiện nào bạn xem là quan trọng. Khi bước vào đời, không có bất kỳ cánh cửa nào mở ra cho bạn, vì hàng vạn người khác tốt và đáng tin cậy hơn bạn.

3. Cổng trường có phải là cổng chùa không?

Hãy nghĩ, khi hàng ngàn người đang nghiêm túc chuẩn bị cho buổi lễ thì hàng chục người lao xao xông vào. Ai sẽ nói, ai sẽ nghe, ai sẽ gây rối. Cho đứng ngoài là thể hiện thái độ thẳng thắn, đấu tranh chống cái xấu, là bảo vệ những người nghiêm túc biết tôn trọng người khác. Cổng trường khác với cổng chùa.

4. Yêu thương là gì? Bao dung là gì? Nuôi dưỡng tâm hồn là gì?

Yêu thương khác với nuông chiều vô lối. Bao dung khác với bao che cái xấu và dung túng những thói quen đáng phê phán. Nuôi dưỡng tâm hồn không phải bằng những động tác xoa dịu đám đông và đầy tính mị dân.

Tóm lại là, khi còn nhỏ không dạy dỗ ra trò thì lớn lên chỉ trở thành những kẻ phá hoại xã hội mà thôi. Thay vì kêu gào đánh bóng về những thứ gọi là nhân văn, hãy tập cho những người to lớn kia những điều nhỏ bé để trở thành những người đàng hoàng và tử tế.

Không ai trở thành người tử tế khi thiếu phẩm chất cao quý nhất: LÒNG TỰ TRỌNG!

FB của Võ Anh Triết.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *