Cây cầu chia 2 miền Nam Bắc?

Bạn đã từng học lịch sử, xem truyền hình và nghe về cây cầu chia đất nước Việt Nam thành 2 miền Nam Bắc trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975 từ sau khi hiệp định Genève ký. Đó là cây cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Cũng tại nơi đây, đã từng diễn ra những cuộc “chọi loa”, “chọi cờ” quyết liệt trong Chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ đó, cầu Hiền Lương là ranh giới đất nước bị chia cắt thành 2 miền: miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hoà quản lý.

Cầu Hiền Lương đầu tiên được xây dựng năm 1928 do phủ Vĩnh Linh huy động nhân dân trong vùng đóng góp công sức. Cây cầu này được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m, trọng tải chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931 cây cầu này được Liên bang Đông Dương sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông thì vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943 cầu được nâng cấp thêm một lần nữa, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được.

Đến năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp đã cho xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Cây cầu này tồn tại được hai năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của người Pháp. Tháng 5 năm 1952, Pháp xây lại một chiếc cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn.

Năm 1954, sau khi Pháp thua trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Pháp đồng ý trao trả độc lập cho Việt Nam theo Hiệp định Genève. Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự: Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút về miền Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp rút về miền Nam

Trong sự mâu thuẫn chính trị giữa hai bên, cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải bị cuốn vào cuộc tranh chấp vì đây là nơi giáp mặt của hai chính quyền đối lập. Ở đoạn giữa cầu có một vạch trắng kẻ ngang, rộng 1cm được dùng làm ranh giới. Lúc đầu Việt Nam Cộng hòa chủ động sơn một nửa cầu phía nam thành màu xanh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn tiếp màu xanh một nửa cầu còn lại. Sau Việt Nam Cộng hòa lại chuyển sang màu nâu thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sơn lại màu nâu. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ Việt Nam Cộng hòa sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập thì ngay lập tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn lại cho giống. Cuối cùng vào năm 1975, cây cầu có chung một màu xanh thống nhất. Năm 2014, cầu Hiền Lương lần đầu tiên được phục dựng 2 màu xanh -vàng như từng tồn tại, nhằm nhấn mạnh khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam

Trong thời gian tồn tại, ở khu vực cầu Hiền Lương diễn ra nhiều cuộc chiến không tiếng súng, đó là chọi loa, chọi cờ… giữa chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phía bắc) và chính quyền Việt Nam Cộng hòa (phía nam). Cột cờ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12 m, cờ bằng vải satanh rộng 24,2 m­­­2. Việc nâng chiều cao của cột cờ và bề rộng của lá cờ là cuộc chạy đua giữa 2 bờ. Năm 1962, với vật liệu từ Hà Nội, quân và dân miền Bắc xây dựng cột cờ mới cao 38,6 m với lá cờ rộng 134 m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Theo ước tính, đến 1967 đã có 264 lá cờ được kéo lên.

Ngày 12/10/2012, Nhà nước đã xây dựng cây cầu Hiền Lương 2, nhằm giảm nguy cơ gây ùn tắc giao thông, nhất là vào những dịp lễ, tết. Công trình do Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy thi công trong thời gian 18 tháng, với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng gần 49 tỷ đồng, bồi thường giải tỏa gần 2 tỷ đồng. Cây cầu Hiền Lương 2 nằm cạnh cây cầu Hiền Lương lịch sự.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *