Không chỉ là vật trang trí trong dịp lễ Nô-en, mà toàn bộ các thành phần của cây thông (cây tùng), còn được Đông y dùng làm thức ăn và thuốc để phòng chữa bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ cây thông để bạn đọc tham khảo.
Táo bón: Nhân hạt thông, bá tử nhân, hoả ma nhân, lượng bằng nhau. Nghiền bột làm viên mỗi lần uống 6g trước bữa ăn.
Ho lâu ngày, ít đờm: Nhân hạt thông 30g, hạnh đào 60g, nghiền nát làm thành cao trộn 15g mật. Ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa với nước sôi để ấm. Nếu dùng thường xuyên có tác dụng làm tinh thần sảng khoái, da tươi nhuận hồng hào. Quả thông 10g, lá hẹ 12g, lá kinh giới 12g thái nhỏ sắc 400ml nước còn 1/3 chia uống 2 lần chữa họ.
Đau đầu, chóng mặt: Phấn hoa thông (tùng hoàng, tùng hoa phấn) bột mịn màu vàng nhạt, nhẹ dễ bay, không chìm trong nước, vị béo, ngọt nhạt không mùi, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, trừ phòng chữa đau đầu, chóng mặt, sắc uống ngày 4 – 8g.
Lở loét, mụn nhọt: Lá thông, lá long não, lá khế, lá thanh hao lượng bằng nhau nấu nước để tắm chữa ngứa lở loét. Vỏ cây thông phối hợp với vỏ cây sung, lượng bằng nhau đốt thành than tán mịn rắc lên vết thương lở loét. Cũng có thể dùng nhựa thông vừa đủ với bồ hóng bếp củi, gai bồ kết. quả bồ hòn (đốt thành than) lượng bằng nhau đánh nhuyễn thành dẻo quánh mềm để đắp lên nhọt mưng mủ.
Đau nhức, sưng tấy: Lá thông băm nhỏ ngâm rượu để xoa bóp, hoặc ngâm rượu lá thông với đương quy để uống chữa nhức mỏi cơ xương khớp, va đập bầm tím. Đốt mắt cành thông cạo vỏ lấy lõi phơi khô 20g sắc nước uống có công dụng giảm đau nhức cơ xương khớp lưng gối. Chữa tê thấp cũng có thể dùng nhựa thông 40g, nhựa cây sau sau 40g, sáp ong 10g, đun nhỏ lửa khoảng 10 phút, để nguội phết lên giấy dán lên chỗ sưng.
Đau nhức răng: Đốt mắt thông thái nhỏ ngâm rượu càng đặc càng tốt, ngậm nghiêng phía răng đau một lúc rồi nhổ đi. Ngày vài lần.
Băng huyết nôn ra máu: Tùng hương (phần còn lại sau khi cất nhựa thông lấy tinh dầu) đốt, hứng lấy muôi khỏi 10g hoà với 20g da trâu đã đun chảy để uống.
Hen suyễn: Tùng hương 200g, tỏi 200g, dầu vừng 100g, riềng 100g, long não 4g, nấu thành cao dán lên huyệt.
Đặc biệt, nấm thông với 2 loại phục linh (là nấm mọc trên rễ thông) và phục thần (nấm mọc xung quanh rễ , rễ thông là lõi của nấm phục thần) rất quen dùng trong Đông y. Phục linh có 3 công dụng chính: Lợi thuỷ trừ thấp, ích tỳ trừ tả, trấn tĩnh an thần. Phục thần dùng để an thần, chữa mất ngủ, lo âu, hồi hộp, kinh sợ dẫn đến nhiều bệnh.
Đối với người già có tuổi, nhân hạt thông có tác dụng bổ can thận, nhuận phế, nhuận tràng, nhuận dưỡng da thịt. Đặc biệt thích hợp với người già yếu hư hàn vì không ảnh hưởng xấu tới chính khí (như khi dùng chữa người già bị tiêu chảy).
TS. Phạm Xuân