Chữ viết là một hệ thống ký hiệu bằng đường nét, được đặt ra để ghi tiếng nói. Do hoàn cảnh lịch sử và xã hội khác nhau mà mỗi dân tộc có một hệ chữ viết khác nhau.
Với người Việt, vào thời Hùng Vương có thể manh nha đã có chữ viết. Theo giáo sư Hà Văn Tấn thì trên một số đồ đồng và lưỡi cày đồng Đông Sơn đã có những biểu hiện của chữ viết, song rất tiếc là những ký hiệu này chưa được phát triển một cách hoàn chỉnh thì người Việt bị người Hán thôn tính. Và lúc này tất nhiên chữ Hán trở thành thứ chữ thông dụng trong sinh hoạt hành chính và xã hội. Những chữ Hán sớm nhất mà hiện nay đã tìm được là trên trống đồng Cổ Loa có ghi rõ niên hiệu Vương Mãng (cách ngày nay xấp xỉ 2.000 năm). Từ đó, chữ Hán góp phần vào việc phát triển văn tự ở Việt Nam, suốt thời trung cổ nó đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá tư tưởng và kiến thức trên đất Việt, được tất cả mọi triều đại quân chủ chuyên chế bản địa sử dụng làm chữ viết chính thống.
Với ý thức dân tộc ngày càng phát triển, người Việt muốn bảo vệ tiếng nói của mình nên đã sử dụng chữ Hán để ghi âm và trên cơ sở đó tạo ra chữ Nôm (tức chữ Nam). Hiện tượng này có từ thời Bắc thuộc, nhưng có khả năng đến đời Trần (thế kỷ XIII – XIV) mới được định hình (được chứng minh bởi văn thơ như của Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố). Ý thức độc lập về văn tự cũng thúc đẩy Quang Trung muốn đưa chữ Nôm trở thành chữ viết chính thống, nhưng chưa thành công, tuy nhiên chữ Nôm vẫn được đông đảo dân chúng sử dụng và còn tồn tại tới tận ngày nay. Một hệ thống chữ khác dưới dạng Latinh xuất hiện trên đất Việt vào thế kỷ XVI, XVII, được gọi là chữ quốc ngữ, do Alexandre de Rhodes sáng tạo ra. Ông phiên âm tiếng Việt bằng hệ thống chữ Latinh để tiện cho việc truyền đạo. Hệ chữ này ngày càng được hoàn thiện để trở thành hệ thống chữ quốc ngữ như ngày nay.
Các dân tộc thiểu số ở phía Bắc trước Cách mạng Tháng Tám chủ yếu vẫn dùng chữ Nôm. Sau năm 1954, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm thúc đẩy để hình thành chữ viết cho các tộc người này.
Ở miền Trung, người Chăm xưa nay vẫn sử dụng chữ thuộc hệ Mã Lai, đồng bào Khmer Nam Bộ có chữ viết riêng; cộng đồng người Hoa trên đất Việt vẫn sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình.
Sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta cũng có chủ trương ủng hộ các tộc người ở Tây Nguyên sớm có chữ viết của riêng mình.
Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ vẫn là chữ phổ thông cho mọi tộc người sống trên đất nước Việt Nam.