Hoạt động hòa giải ở cơ sở ở địa phương nào cũng có, nhưng Hòa giải ở cơ sở có từ khi nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc sự ra đời Hòa giải ở cơ sở qua bài viết sau đây:
Hoạt động hòa giải ở cơ sở mang đậm tính nhân văn. Tổ hòa giải là tổ chức quần chúng của nhân dân, do nhân dân lập ra ở cơ sở để giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân.
Hoạt động hòa giải có lịch sử tồn tại và phát triển cùng với lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật quy định về hòa giải trong nội bộ nhân dân như sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946, sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946, trong đó Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ hòa giải tất cả các việc về dân sự, thương sự và phạt vi cảnh.
Cùng với chế định hòa giải của Ban Tư pháp xã, còn có chế định hòa giải của Toà án sơ cấp (trước năm 1950) và của Toà án nhân dân huyện (sau năm 1950).
Đến năm 1964, theo Thông tư số 02-TC ngày 26/2/1964 của Tòa án nhân dân tối cao về việc xây dựng Tổ hòa giải và kiện toàn Tổ tư pháp xã, khu phố, thì Tổ hòa giải được thành lập ở thôn, xóm hoặc liên xóm, không tổ chức một Tổ hòa giải chung cho toàn xã hội, vì tổ chức của Tổ hòa giải cần được gọn nhẹ và sát nhân dân. Tổ hòa giải có từ 3 đến 7 tổ viên. Ở giai đoạn này, hoạt động hoà giải vẫn liên tục tồn tại và phát triển, cùng vối sự kiện toàn và phát triển của Toà án nhân dân các cấp và do Tòa án nhân dân các cấp tổ chức, hướng dẫn và giúp đỡ hoạt động.
Chế định hòa giải ở cơ sở chính thức được Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 ghi nhận: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật” (Điều 127).
Hiện nay, hòa giải ở cơ sở được tổ chức và hoạt động theo quy định của Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (gọi tắt là Nghị định số 160/1999/NĐ-CP). Đây là hai văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ và đồng bộ các vấn đề về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, thể hiện tính kế thừa, tính liên tục của truyền thống hòa giải ở nước ta, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ tổ viên Tổ hòa giải và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang và công dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Để triển khai và thực hiện tốt Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP về công tác hòa giải. Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp xã. phường, thị trấn được giao nhiệm vụ giúp uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản hương dẫn về công tác này, tạo nên một hệ thống khá đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Chúng ta đã tìm hiểu được nguồn gốc của hoạt động hòa giải ở cơ sở có từ khi nào.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở do tổ chức nào thực hiện?
Điều 2 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 quy định: Hòa giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân.
- Tổ hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như chợ cố định, tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí.
- Các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư: Là việc tổ chức hòa giải của họ tộc, của các tổ chức chính trị – xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp khác v.v. được thành lập và hoạt động thường xuyên ở cơ sở.
Tính chất tự quản của Tổ hòa giải được thể hiện như thế nào? Thành phần Tổ hòa giải được quy định như thế nào?
Tính chất tự quản của Tổ hòa giải thể hiện ở chỗ các tổ viên Tổ hòa giải là những người được nhân dân bầu và họ tự điều hành, quản lý công việc của mình.
Tổ hòa giải có tổ trưởng và các tổ viên. Số lượng tổ viên Tổ hòa giải không ấn định cụ thể. Tuy nhiên, mỗi Tổ hòa giải phải có ít nhất 03 tổ viên.