Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở năm 1998, Điều 2. 3 Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 18-10-1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thì: Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác (như hòa giải trong họ tộc, hòa giải của các tổ chức đoàn thể xã hội).
Như vậy, hòa giải ở cơ sở là một hình thức hòa giải có sự giúp đỡ của người trung gian để các bên đạt được thoả thuận, chấm dứt tranh chấp, bất đồng. Người trung gian ở đây là tổ viên tổ hòa giải hoặc cũng có thể là một cá nhân có uy tín, có sức thuyết phục, cảm hoá các bên tranh chấp trực tiếp tham gia hòa giải.