Hội vật võ Liễu Đôi (Hà Nam)

Truyền thuyết làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam kể rằng: ở đây có một chàng trai họ Đoàn có sức mạnh phi thường lại giỏi võ, một mình địch nổi năm trai tráng trên sới vật. Một hôm, ở cánh đồng Nương Cửi, tự nhiên có một ánh sáng xanh chói lòa phát ra, dân làng vô cùng hoảng sợ, chỉ có chàng trai họ Đoàn nọ dám đi tới và nhận thấy ánh sáng ấy phát ra từ một thanh gươm đặt trên một tấm khăn đào. Chàng trai bái tạ thần linh, tay cầm gươm, lưng thắt chiếc khăn đào, múa gươm cho dân làng xem. Khi có giặc phương Bắc kéo tới, chàng trai mang gươm ra trận. Trong đoàn quân của chàng có nữ tướng họ Bùi rất dũng cảm, hai người thề ước với nhau. Nhưng không may, chàng trai bị tử trận, thi hài được mang về quê hương. Giặc tan, nữ tướng họ Bùi đến viếng mộ chàng nhưng quá đau thương nên đã chết trên ngựa khi cách mộ chàng chừng vài trăm bước. Dân Liễu Đôi thương nhớ, lập đền Ông thờ chàng, gọi là Thánh Ông, lập đền Bà thờ nữ tướng, gọi là đền Tiên Bà. Hằng năm, từ mùng 5 đến 10 tháng Giêng âm lịch, làng mở hội vật để tưởng niệm, gọi là hội Thánh Tiên (gọi tắt hai chữ Thánh Ông – Tiên Bà), đó là hội vật võ Liễu Đôi.

Lễ hội vật võ Liễu Đôi

Hội gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ được tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm, độc đáo như: lễ rước Thánh vào đóng (đóng tức là nơi tổ chức vật; rước Thánh vào đóng tức là rước kiệu Thánh Ông từ đền vào đóng vật); lễ phát hỏa (đốt lên một ngọn lửa lớn để tưởng nhớ lại ngọn lửa xanh thần diệu bốc lên từ thanh gươm phát hỏa mà trời ban cho đất Liễu Đôi ở cánh đồng Nương Cửi); lễ trao gươm và thắt khăn đào (tưởng nhớ việc chàng trai họ Đoàn nhận thanh gươm thần và tấm khăn đào); lễ múa cờ tụ nghĩa,…

Sau những nghi thức trên của phần Lễ là đến phần Hội với các cuộc vật võ. Mở đầu cuộc vật, làng gọi tên hai trai rốt (là hai cậu con trai của làng ra đời cuối cùng trong năm qua) ra vật năm keo trình làng, lễ Thánh. Tất nhiên trai rốt còn bé, chưa vật được nên bố phải ra vật thay. Lệ quy định, hai ông bố chỉ vật biểu diễn, không được vật thật để đối phương ngã, bởi vì hai ông bố ra vật chỉ với mục đích trình làng, trình Thánh chứng giám để hai đứa trẻ tương lai sẽ trở thành hai đồ vật võ mà thôi. Vậy nên nếu để bị ngã thì làng sẽ bắt phạt cả hai. Nếu bố đi vắng thì ông ra vật thay chứ không được bỏ cuộc. Với lệ này, người dân Liễu Đôi muốn nhắn nhủ con cháu rằng, sinh ra làm con trai thì trước hết phải là trai vật võ.

Tiếp theo là nghi thức đô xã làm nền, có nghĩa là đô Liễu Đôi vào đóng trước, giao đấu trước để gây không khí, khuyến khích tinh thần cho đô vật bốn phương. Khi đô vật bốn phương đã hăng say rồi thì đô vật Liễu Đôi rút ra, nhường đóng cho khách rồi đứng ngoài cổ vũ, động viên. Vào giải, ai thắng được năm keo liền thì được vào vòng giải. Ai thắng hết các đô ở vòng giải thì được giải cọc. Giải cọc là giải đặc biệt, tiếp đến là giải thứ: nhất, nhì, ba, cuối cùng là giải cuộc trao cho tất cả những người vào đóng vật. Như vậy, cả người thua cũng có giải. Phần thưởng trao giải là tiền hảo tâm của khách thập phương công đức, ngoài việc chi vào đèn nhang, còn lại bao nhiêu phải chi hết vào giải vật, nếu còn sẽ làm từ thiện cho người nghèo tại địa phương, tuyệt không được chi dùng vào việc khác.

Hội vật võ Liễu Đôi không chỉ thể hiện bề dày văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ sâu đậm mà còn thể hiện tính cố kết cộng đồng cao của người dân Liễu Đôi.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *