Những phương pháp tôi nói dưới đây, có thể sẽ động chạm đến đáy lòng bạn và gây ra sự khó chịu. Tuy nhiên những điều đó có thể làm thay đổi bạn, làm bạn trở nên thực sự thích thú với việc học.
Tôi không thổi phồng hay nói quá, mà có ví dụ chứng cứ rõ ràng. Bài viết khá dài, mong các bạn kiên nhẫn đọc hết.
Trước hết, tôi muốn hỏi bạn một câu hỏi: “Vì sao bạn phải đi học?”. Bạn không cần trả lời ngay mà hãy xem thông tin tham khảo này dưới đây trước nhé:
Hôm qua tôi có đi đến Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Trung Quốc và nhìn thấy một bức tranh sơn dầu có tựa đề “Hôm qua, hôm nay và ngày mai”, bức tranh miêu tả tình trạng lên lớp buổi đầu tiên của sinh viên sau khi được khôi phục kỳ tuyển sinh đại học. Vẻ mặt của tất cả mọi người đều “như đại hán mong mưa, như cây khô chờ nước giống” với mong muốn tìm tòi kiến thức đã làm tôi vô cùng cảm động.
Năm 1977 là năm đầu tiên phục hồi kỳ thi tuyển sinh đại học sau 10 năm bị cắt bỏ, và đã có hơn 5.700.000 người tham gia kì thi này. Theo điều kiện mở trường lúc đó, chỉ có thể được chọn không quá 300.000 người, có thể nói là vô cùng khắc nghiệt. Vậy vì sao những người này lại tốn nhiều công sức như vậy, trong khi điều kiện học tập lúc đó rất kém, môi trường học tập cũng vô cùng gian khổ.
Rất nhiều người đều đã kết hôn, có nhiều người còn là lao động chính trong gia đình; họ phải đi làm ở các công xưởng và chỉ có thể dành chút thời gian rảnh rỗi để học. Ví dụ, Lôi Di (nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc) có nói: “ăn cơm xong, trong khi người khác đang đánh bài, thì tôi lại ôn tập bài vở đến tận nửa đêm, đến nỗi những tiếng gầm rú của các xưởng máy vào buổi trưa cũng không làm tôi tỉnh giấc.” Hứa Kỷ Lâm (là giáo sư và là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc) cũng từng nói: “Mỗi buổi chiều, chúng tôi phải đi giành giật, tranh nhau mới mua được một quyển sách mới tại hiệu sách Tân Hoa của trường. Trong 10 phút sách đã bán hết, và thời gian nghỉ giữa giờ của chúng tôi cũng chỉ có 10 phút, thế là phải nhanh chóng chạy đến hiệu sách, xem xem hôm nay có sách gì mới liền vội vã giành lấy.”
Vì sao họ phải liều mạng đến như vậy? Tại sao không tiếp tục làm việc ở các công xưởng giống như những người không tham gia kỳ thi kia?
Bởi vì đối với họ mà nói, đây có thể là cơ hội duy nhất để thay đổi cuộc đời. Lôi Di thông qua kỳ thi tuyển sinh đã đậu đại học, và sau này trở thành một nhà sử học nổi tiếng. Hứa Kỷ Lâm cũng đã trở thành giáo sư của trường đại học sư phạm Hoa Đông.
Đối với những người như Tôn Di và Hứa Kỳ Lâm mà nói, học có vai trò vô cùng quan trọng. Họ tự thúc giục chính mình, họ không bao giờ hỏi làm sao bỏ mạt chược xuống để bắt đầu học một cách nghiêm túc cả.
Không thể không nói rằng, đại đa số chúng ta đều không có khát vọng thay đổi mãnh liệt như thế. Khát vọng tiền bạc, địa vị, sự tôn trọng, và cả khát vọng học tập dường như không quá quan trọng đối với chúng ta. Bởi vậy, điện thoại, mạt chược hay bất cứ việc gì đều có thể trở thành chướng ngại cho việc học.
*****
Bốn bước có tác động cả trong lẫn ngoài dưới đây sẽ làm bạn thực sự yêu thích việc học:
1. Bước thứ nhất: Nhìn thẳng vào vấn đề tiền bạc, kích thích khát vọng sở hữu nó.
Có rất nhiều cách để buộc bản thân học tập nghiêm túc, buộc bản thân phải có tính kỷ luật. Bạn hiểu biết rất nhiều đạo lý nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá là bao? Vấn đề ở đây chính là, cuộc sống của bạn vẫn chưa đủ thảm, vẫn chưa đủ nghèo. Con người vì để bảo vệ bản thân mà luôn thích lừa gạt chính mình, cảm thấy rằng cuộc sống của mình vẫn ổn.
Lúc tôi học cấp hai, tôi ở ngoại trú, mỗi buổi trưa đều phải mang cơm đến trường. Lúc đó tôi thường mang 2 cái bánh bao chay và một chút dưa chuột muối, và mỗi ngày tôi đều rất đói nhưng nội tâm thì lại dồi dào năng lượng. Đói thì “gặm sách” thôi, đó cũng là hy vọng duy nhất của tôi. Tôi chỉ biết rằng nếu thi đỗ vào trường cấp 3 trọng điểm thì tôi sẽ không ăn bánh bao nữa. Sau này đi làm, một khi phát hiện bản thân đang an nhàn liền chủ động kích thích chính mình, lên mạng xem những trang web tuyển dụng một số vị trí có thu nhập cao, rồi xem giá tiền của những mặt hàng xa xỉ; và sau đó phát hiện ra rằng bản thân còn cách đó quá xa, liền phải trở lại tiếp tục nỗ lực.
Nếu như bạn không có động lực, hãy xem việc kiếm tiền là mục đích của bạn. Sau khi đọc xong một cuốn sách có thể tăng thêm bao nhiêu kiến thức vào tài khoản tích trữ của bản thân? Có thể đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân là tốt nhất. Ví dụ, bạn làm về mảng tiêu thụ hàng hóa, thì hãy đọc một số loại sách nói về kỹ xảo bán hàng. Áp dụng ngay sau khi học thì mới có thể đem lại thành quả. Đây chính là phản hồi có ý nghĩa nhất đối với việc học.
Nếu như mỗi ngày bạn đều cảm thấy tương lai mờ mịt, không biết mục tiêu của bản thân là gì, ngay cả việc kiếm tiền cũng không kích thích nổi bạn, mỗi ngày chỉ biết lướt Weibo, xem Tik tok. Sau đó bạn lại cảm thấy trống rỗng và lo lắng, làm việc gì cũng bỏ bê, không đến nơi đến chốn, nhưng lại không có cách nào đốc thúc bản thân thì câu trả lời này nhất định sẽ giải quyết tình cảnh khó khăn của bạn:
Làm thế nào để rèn luyện thói quen tự giác?
2. Bước thứ hai: Ép bản thân, quyết tâm với việc học.
Khi bạn đã có mục tiêu rõ ràng nhưng vẫn chưa hạ quyết tâm để học, thì lúc này bạn phải quyết tâm, kiên định đến cùng. Phương pháp tôi dùng chính là vừa đọc sách vừa chép ra, giống như lúc nhỏ làm bài tập về nhà vậy.
Lúc còn nhỏ, mục đích của việc học rất đơn thuần, chỉ là một lòng muốn hoàn thành bài tập về nhà của cô giáo. Nhưng sau khi đã trưởng thành , suy nghĩ ấy đã không còn đơn thuần như thế nữa. Giống như việc ngồi vào bàn để học nhưng thực chất lại đang nghĩ đến việc hôm qua, nào là vì sao bạn gái lại không thèm để ý đến mình, rồi lại nghĩ đến việc sếp có tăng lương hay không, rồi buổi tối đi đâu chơi, rồi dạo này có bộ phim nào hay để xem không,…
Muốn “chữa trị” những vấn đề này, phải để cho tay và não cùng hoạt động, mục đích là để cho tay không có cơ hội chạm vào điện thoại, để cho não cũng không nhàn rỗi.
Điều quan trọng nhất là phải đặt ra cho mình một mục tiêu, chưa chép xong thì không được rời khỏi chỗ ngồi, cho dù có buồn cả ra quần cũng phải giữ nguyên vị trí. Đây chính là động lực để liên tục hoàn thành mục tiêu và đạt được cảm giác thành công cuối cùng.
Việc đặt ra muc tiêu, việc chép sách chính là một quá trình leo núi, việc bạn rời khỏi vị trí giữa chừng đồng nghĩa với việc bỏ cuộc, và chỉ cần bạn bỏ cuộc một lần, thì những lần tiếp theo cũng đều muốn như thế; chỉ cần bạn một lần được thành công, thì những lần sau cũng đều muốn thành công. Lòng người chính là như vậy!
Ngoài việc đặt ra mục tiêu thì phương pháp học tập tốt cũng là một điều rất quan trọng. Những người học giỏi có được thành công không chỉ nhờ vào khả năng, mà còn nhờ vào phương pháp. Tôi khuyên bạn nên tham gia các khóa học về khả năng học tập của Harvard, tôi đảm bảo sau khi nghe xong, hiệu quả học tập của bạn sẽ tăng lên gấp 10 lần. Khóa học này tôi đã nghe rất nhiều lần, phương pháp rất có hệ thống và vô cùng thực dụng.
3. Bước thứ ba: Nhìn về phía trước, tìm kiếm sức mạnh từ những tấm gương.
Sau hai bước trên, bạn đã bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, rất nhanh thôi bạn sẽ phải đối mặt với thời kỳ có nhiều trở ngại, với hiệu quả học tập thấp và tiến độ tăng trưởng chậm. Nhiệt huyết trong 3 phút đầu cũng nhanh chóng qua đi, bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân rốt cuộc có làm được hay không? Nỗ lực phấn đấu như thế, cuối cùng sẽ đạt được cái gì?
Thực ra chúng ta đều biết, việc đưa ra bất kỳ lựa chọn nào đều phải trả giá. Bản thân đã chọn con đường A thì không thể chọn con đường khác đối lập với nó, cũng như cùng một thời gian, nếu bạn dành cho việc học thì không thể dành cho việc lướt điện thoại.
Chúng ta luôn muốn cân nhắc giữa lợi và hại cho dù muốn có phút giây an nhàn ngắn ngủi hay lâu dài. Bước này cần phải có thêm chất xúc tác, hãy tìm một tấm gương nổi trội trong lĩnh vực của bạn, và trước tiên hãy học theo cách làm của họ, rồi sau đó hãy nghĩ cách vượt qua họ.
Trong tâm lý học có một từ chuyên ngành gọi là “lời nguyền rủa của tri thức”, chính là khi chúng ta biết được một việc nào đó thì sẽ rất khó để tưởng tượng rằng mình là người không biết việc ấy, đó một loại trạng thái tâm lý. Thực ra chúng ta đều ngầm thừa nhận rằng, chúng tôi biết việc này thì người khác cũng sẽ biết được mà thôi. Nói cách khác, nếu chúng ta không biết gì về việc này, thì cũng sẽ rất khó để tưởng tượng ra những lợi ích mà nó đem lại.
Ví dụ: chúng ta làm một việc nào đó, tưởng rằng làm được đến 90 phần trăm là đã giỏi giang lắm rồi; nhưng lại không biết rằng, cái mà chúng ta tưởng là 90 phần trăm ấy, chẳng qua cũng chỉ được 60 phần trăm, thậm chí còn thấp hơn trong mắt của những người lão luyện.
Vì vậy, để đánh bại được “lời nguyền rủa của tri thức” này, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân, cũng giống như việc cho thêm chất xúc tác trong việc học vậy. Bạn phải tìm được một tấm gương kiểu mẫu mà mọi người cùng hướng đến và hãy lấy đó làm tiêu chuẩn để học tập, để nhìn về phía trước.
4. Bước thứ tư: Học nhóm, hoặc tìm gia sư kèm riêng.
Nếu như không thể tự giác học, vậy thì bạn đành phải cần một gia sư dạy kèm riêng để bạn phải tự bỏ tiền ra. Và trước khi học, bạn cần cho thêm chút áp lực bằng cách đặt tiền cược, rằng nếu như bỏ cuộc giữa chừng sẽ đồng nghĩa với việc bạn đã thua ván cược này.
Trong vấn đề tình cảm, nếu như bạn yêu ai đó quá nhiều thì sẽ không nỡ chia tay. Việc học cũng vậy, bạn không thích học là vì bạn đã “yêu” nó quá ít rồi. Khi bạn học, nếu bạn bỏ công sức ra càng nhiều thì sẽ càng muốn được đền đáp. Việc gây áp lực bằng cách đặt cược trước khi học cũng chính là bạn đã bỏ ra một phần công sức, và nếu bạn muốn được đền đáp thì không còn cách nào khác, bạn phải tiếp tục kiên trì đến cùng.
Đến đây, nếu như bạn vẫn chưa thật sự muốn bắt đầu học thì tôi nghĩ bạn nên đi leo một ngọn núi lớn, trải nghiệm một chút quá trình leo núi và cảm giác được leo lên đỉnh núi. Bởi cuộc đời của con người giống như việc leo núi vậy, có rất nhiều người sẽ trở thành bạn đồng hành của ta, nhưng cũng có không ít người là kẻ địch. Bởi càng leo lên đến điểm cuối, tài nguyên có thể lợi dụng sẽ ngày càng ít đi, nhưng phong cảnh sẽ trở nên đẹp hơn rất nhiều.
Chỉ cần bạn ép buộc bản thân để đạt được cảm giác được đứng trên đỉnh cao một lần, bạn sẽ không bao giờ cho phép bản thân thất bại mà ngược lại, bạn sẽ có động lực để khắc phục những trở ngại, bao gồm cả việc nghịch điện thoại, chơi mạt chược hay bất cứ thứ gì khác.
Cuối cùng, tôi muốn tặng bạn 3 câu nói:
1. Thời gian tốt nhất để trồng 1 cái cây là 10 năm trước hay có thể là hiện tại. (Chỉ cần bạn có niềm tin, sẽ không có khoảng cách về thời gian, bắt đầu từ lúc nào đều không quan trọng.)
2. Ít nhất hãy ép buộc bản thân một lần, có như vậy bạn mới có được mọi thứ.
3. “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm; có thể giúp đỡ người khác là điều hạnh phúc nhất trong cuộc sống.”