Chùa Dâu nằm trên địa bàn xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam. Đây là trung tâm Phật giáo cổ nhất Việt Nam, nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ II (khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm Thái Thú, thờ nữ thần Pháp Vân gắn liền với huyền tích Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của người Việt xưa. Lễ hội Chùa mở vào mùng 8 tháng Tư âm lịch, đó là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Đây là một lễ hội lớn, nổi tiếng đã đi vào câu ca dân gian: “Dù ai đi đâu về đâu-Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.Dù ai buôn bán trăm nghề-Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”.
Hội chùa Dâu là lễ hội diễn ra với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (huyện Thuận Thành) là Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với bốn ngôi chùa lớn thờ Tứ Pháp gồm: Pháp Vân (con cả – bà Dâu ở chùa Dâu, tại xã Thanh Khương), Pháp Vũ (con thứ hai – bà Đậu, ở chùa Đậu, làng Hành Đạo), Pháp Lôi (con thứ ba – bà Tương, ở chùa Phú Tương, xã Thanh Tương), Pháp Điện (con út – bà Dàn, ở chùa Phương Quan) và ngôi chùa Tổ (ở Mẫn Xã) thờ bà Man Nương (Phật Mẫu) – mẹ của Tứ Pháp.
Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa – một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Do Sĩ Nhiếp là người có công truyền dạy chữ cho người dân trong vùng, nên hằng năm, đến mùng 8 tháng Tư, nhân dân địa phương tổ chức rước kiệu Sĩ Nhiếp và tượng công chúa Ngọc Tiên (con gái Sĩ Nhiếp) từ đền Lũng Khê về chùa Dâu để khai hội nhưng hai kiệu này không rước vào trong Chùa mà chỉ đi một vòng trên sân bãi rồi lại rước trở về đền Lũng Khê.
Lễ rước trong hội chùa Dâu rất đặc biệt, mang nhiều nét đẹp văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Sáng mùng 8 chính hội, nhân dân các làng tổ chức rước tượng Tứ Pháp từ các chùa làng về tụ hội tại chùa Dâu. Tục truyền, đám rước gồm ngựa thờ, cờ quạt, tàn lọng, kiệu bát cống,… từ các ngả kéo về. Khi tới chùa Dâu thì diễn trò “mẹ đuổi con”. Bốn kiệu Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, mỗi kiệu chạy ba vòng rồi trở về vị trí cũ. Còn kiệu bà Man Nương (kiệu mẹ) được rước vào trong chùa Dâu.
Sau đó diễn ra trò “cướp nước”. Đó là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Khi có hiệu lệnh thì kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ đua nhau chạy ra Tam Quan. Kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở. Ngoài trò cướp nước, dâng nước, đánh gậy trên bãi chùa Dâu, còn có múa sư tử, múa hóa trang rùa và hạc, múa trống, đấu vật, cờ người và đốt cây bông. Người hành hương và dự hội đêm ngày lui tới không lúc nào ngớt. Ý nghĩa của nghi lễ rước không chỉ là tình mẹ con, chị em – biểu hiện của đạo đức truyền thống, mà đám rước còn được hiểu là sự giao hòa của thời tiết.
Chùa Dâu là trung tâm Phật giáo cổ xưa, nhưng Lễ hội chùa Dâu lại mang đậm nét tín ngưỡng dân 20 gian với các nghi thức nông nghiệp, được cử hành vào ngày Lễ Phật Đản mùng 8 tháng Tư. Điều đó cho thấy, Lễ hội chùa Dâu có sự giao hòa giữa Phật giáo với tín ngưỡng nông nghiệp và tôn giáo bản địa, vừa giữ gìn được sự tôn nghiêm, thành kính với đức Phật, vừa bảo tồn và phát huy được nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống.