Lễ hội đền bà Lê Chân (Hải Phòng)

Vào mùng 8 tháng Hai âm lịch hằng năm, người dân miền biển Hải Phòng và du khách thập phương lại náo nức về dự Lễ hội đền Bà Lê Chân (đền Nghè) – một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của thành phố Cảng để tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân – vị nữ tướng tài giỏi, từng lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, người đã có công khai sinh ra trấn Hải Tần phòng thủ, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Lễ hội được chia thành hai phần Lễ và Hội. Điểm nhấn của phần Lễ là đám rước. Trong suốt quãng đường rước, cả đoàn rước luôn giữ thái độ nghiêm trang, thành kính, tỏ lòng biết ơn vị Thành Hoàng của đất Cảng. Đám rước xuất phát từ đền Nghè về tới đình An Biên thì dừng lại. Long ngai, mũ ấn và các đồ tế khí được đưa vào trong đình ngự ở đó suốt ba ngày. Sau đám rước là lễ tế gợi nhắc công ơn của nữ tướng Lê Chân đối với dân tộc và đối với thành phố Hải Phòng. Trong lễ tế này, các sắc phong của các triều đại dành cho Bà cũng được đọc lên trước sự thành kính của dân làng.

Theo truyền thống, lễ vật dâng lên Thánh Mẫu Lê Chân ngoài hương hoa, xôi quả, còn có lợn đã thịt và làm sạch, bỏ lòng, gan để tế sống. Sau lễ tế, thịt này sẽ được chia đều cho dân làng. Ngoài ra, lễ vật không thể thiếu: bánh giày, gà, ngan, sò, ốc, cua bể và bún bởi tương truyền đó là những món ăn mà sinh thời Bà Lê Chân ưa thích. Phần Hội diễn ra hấp dẫn bao gồm nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm nét truyền thống như: biểu diễn pháo đất, võ dân tộc, mở phiên chợ quê, múa lân sư, trống hội hay các tiết mục văn nghệ: hoạt cảnh chèo, hợp ca, diễn xướng châu văn, hát dân ca, hát ca trù, chèo cổ, nhạc cụ dân tộc, kịch…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *