Đền Bà Tấm nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đền còn có tên gọi theo địa danh là đền Dương Xá, hay đền Ỷ Lan, chùa có tên chữ Linh Nhân Tư Phúc tự.
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7 tháng Ba năm Giáp Thân (1044), mất ngày 25 tháng Bảy năm Đinh Dậu (1117). Bà xuất thân trong một gia đình làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp, nết na, dịu hiền. Năm 1063, qua một lần về viếng thăm chùa Dâu ở Thuận Thành, vua Lý Thánh Tông có cảm tình với Thị Yến và đón vào cung, phong là nguyên phi Ỷ Lan rồi thái hậu Linh Nhân.
Bà đã góp phần cai quản việc nước, thu phục nhân tâm, tạo điều kiện giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành năm 1069. Đến năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời, Càn Đức lên ngôi vua mới có 7 tuổi (vua Lý Nhân Tông), bà buông rèm điều khiển việc nước, cùng Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh thắng giặc Tống xâm lược vào năm 1076. Bà còn chăm lo sản xuất nông nghiệp, mở mang học hành.
Lễ hội đền Bà Tấm trước đây được tổ chức ba ngày từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Hai âm lịch, hội có quy mô lớn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi thôn làng. Bên cạnh đó vào ngày 25 tháng Bảy, tương truyền là ngày giỗ của Bà và là ngày Bà làm lễ giải oan cho Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ bị chết oan, cũng được nhân dân Dương Xá tổ chức long trọng.
Lễ hội đền Bà Tấm ngày nay được tổ chức từ ngày 19 (tương truyền là ngày sinh của bà Tấm) đến 22 tháng Hai âm lịch hằng năm, gồm hai phần Lễ và Hội.
Phần Lễ được mở màn bằng đám rước nước long trọng vào ngày 19 tháng Hai. Đám rước khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Sủi (Phú Thị) cách đền khoảng 2km. Đi đầu đám rước là cờ ngũ hành, tiếp đến là Tổng cờ, rồi chiêng, trống, bát bửu. Liền sau đó là long đình rước bà Ỷ Lan (bài vị). Sau kiệu Bà là kiệu đựng chóe dùng để lấy nước. Ngoài ra là kiệu của các thôn thuộc Dương Xá và tất cả các làng cấy ruộng nhà đền.
Trong lúc diễn ra lễ rước nước, các thôn cũng tiến hành rước lễ vật ra đền để tế lễ. Sau khi kiệu Bà và nước được đưa vào đền yên vị, cuộc tế lễ bắt đầu. Các bô lão năm thôn được cử vào ban tế tiến hành kiểm tra lễ vật rất nghiêm ngặt. Lễ vật để tế lễ trong ngày hội hoàn toàn là trầu, rượu. Sau màn tế lễ của các cụ bô lão là đến phần dâng hương của dân làng và khách thập phương. Ngày hội đầu tiên kéo dài cho đến khuya trong không khí nghiêm trang tại đền cùng các cuộc vui ngoài sân và khu vực xung quanh.
Ngày 20 tháng Hai, hội cũng bắt đầu bằng những cuộc rước. Song lần này là rước Thành hoàng và lễ vật của các thôn thuộc Dương Xá và những nơi ăn lộc ruộng của đền bái vọng dâng lễ. Trừ kiệu của bốn thôn thuộc Dương Xá và Thuận Quang được vào trong đền, còn tất cả các kiệu của những làng khác đều phải đứng bên ngoài cổng đền, bái vọng vào.
Phần Hội của Lễ hội được bắt đầu từ ngày 19 và kéo dài đến hết hội là ngày 22 tháng Hai. Mỗi năm hội đều có phường hát ở các nơi đến đăng cai hát giữ cửa đền trong suốt mấy ngày diễn ra Lễ hội. Ngoài ra, còn có các trò chơi khác như: chơi cờ người, tổ tôm điếm, đấu vật, chọi gà, đốt pháo,… thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham gia.