Hội gò Đống Đa được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, nhằm tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung – một trong những anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30-2-1789), đồn giặc ở Khương Thượng bị quân ta tiến đánh và phá hủy, tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Kể từ đó, gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử ghi dấu chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta, đồng thời là chứng tích về sự thất bại của kẻ thù xâm lược phương Bắc.
Sáng sớm ngày diễn ra Lễ hội, đoàn rước thần mừng chiến thắng với cờ, tàn, tán, lọng, kiệu,… rực rỡ màu sắc cùng tiếng chiêng, trống, thanh la,… xuất phát từ đình Khương Thượng về gò Ðống Ða trong sự reo hò, cổ vũ của đông đảo du khách.
Tại Lễ hội, đặc biệt nhất là màn rước “Rồng lửa”, được bện bằng nùi rơm, mo nang và giấy bồi trang trí. Ngoài ra còn có các màn biểu diễn côn, quyền như tái hiện lại cuộc chiến đấu đã qua. “Rồng lửa Thăng Long” trở thành biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Khi đám rước về đến gò Ðống Ða, có lễ dâng hương, lễ đọc văn kể lại sự tích chiến công năm Kỷ Dậu, ca ngợi thiên tài quân sự của anh hùng dân tộc Quang Trung.