Lịch sự Chợ lớn – Sài Gòn

Sài Gòn ban đầu là tên gọi khu đất thuộc Quận 5 hiện nay. Đến khi Pháp chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, theo nghị định ngày 3/10/1865 của Thống đốc Nam kỳ, Pháp xây dựng nên hai thành phố riêng biệt, Sài Gòn và Chợ Lớn, cách nhau bởi một số ruộng bưng, ao đầm ở vùng Chợ Quán.

Thành phố Sài Gòn có diện tích khoảng 3km2, nằm gọn trong địa phận Quận 1 ngày nay; thành phố Chợ Lớn có diện tích không đầy 1km2, nằm gọn trong Quận 5 ngày nay. Sài Gòn được đặt tên cho vùng mà trước đó có tên gọi là Bến Nghé, còn vùng đất Sài Gòn cũ được đổi tên thành Chợ Lớn. Nhưng không bao lâu sao đó do sự mở rộng của hai thành phố nên Sài Gòn và Chợ Lớn đã tiếp giáp với nhau thành một địa bàn, gọi chung là Sài Gòn – Chợ Lớn.

Vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn là đầu mối giao thông thủy bộ giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ưu thế đó đi kèm với điểm bất lợi, đó là nơi “phong hồi thủy tụ” nên địa hình trũng thấp, khó có thể chọn làm trung tâm.

Bởi thế mà năm 1785, sau khi Nguyễn Huệ kéo quân vào Nam đánh tan hai vạn quân Xiêm và giao cho Nguyễn Trấn ở lại giữ đất Gia Định, thì ông liền chọn địa điểm cầu Sơn (nay là Phường 25 và 26, quận Bình Thạnh) để đóng binh. “Cầu Sơn nằm trên gò cao, giữa là đồng bằng, dưới có ruộng cạn”, thuận lợi cho thế phòng thủ và tiến quân.

Sài Gòn – Chợ Lớn lúc bấy giờ là vùng trũng thấp, sông rạch chằng chịt. Ngay tiếng “Đề” (đê) trong địa danh Đề Ngạn cũng cho biết đây là vùng đất trũng, cho nên người Hoa phải đắp đê ven rạch Tàu Hủ để cất phố chợ. Khu vực từ rạch Bến Nghé trở xuống hướng Nam , “địa hình xấp xỉ mặt nước biểncường , đi từ + 0,5m đến +3m, thường bị triều bao phủ gần hết”. Chính vì vậy mà theo Trương Vĩnh Ký thì xung quanh gò Cây Mai hàng năm có“tổ chức các cuộc đua thuyền để tôn vinh đức Phật. Về phía Sài Gòn có một con đường dù đã được đắp cao để đi lại nhưng nước vẫn thấm ướt quanh năm, nên gọi là đường Nước Nhỉ, nghĩa là luôn có nước nhỉ giọt:

Đường Nước Nhỉ chảy tiu tiu,
Người thương khách lại qua hóng mát.

Về phía Chợ Lớn, có con rạch mang tên Nước Lên, chỉ hiện tượng triều cường dâng lên gây ngập tràn:

Quán Nước Lên dòng dờn dợn,
Khách bộ hành tắm giặt nghỉ ngơi.

Bởi vậy mà giao thông Sài Gòn – Chợ Lớn chủ yếu bằng thuyền, luồn lách theo hệ thống kinh rạch chằng chịt. “Sự đi lại trên rạch khác nào như sợi chỉ của một con thoi qua lại trên máy dệt.

Thế nhưng, khác với Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Tần, ngay từ năm 1679, đã chọn Bến Nghé làm nơi lập đồn binh vì thấy được tính chất là đầu mối giao thông của địa điểm này. Từ đó, theo thời gian, trụ sở hành chính của Gia Định như dinh Điều Khiển (1732), thành Bát Quái, (1790), thành Phụng (1835) rồi phủ Toàn quyền Đông Dương (1869) đều được đặt ở vùng Bến Nghé, tức Sài Gòn. Tuy nhiên, Bến Nghé chỉ là trung tâm hành chính, còn trung tâm thương mại thực sự thu hút đông đảo dân cư lại là Chợ Lớn.

Trong suốt hơn ba trăm năm, Sài Gòn và Chợ Lớn đồng thời là trung tâm của cả Nam Bộ. Chính điều đó, cộng với nền kinh tế tư bản của chế độ thuộc địa khiến cho, hơn ở đâu hết, vùng này đã có những thay đổi lớn lao không ngờ, mà chủ yếu là công cuộc khắc phục địa hình trũng thấp để xây dựng đô thị. Đặc biệt, kể từ khi Pháp xâm chiếm thì tốc độ đô thị hóa của Sài Gòn – Chợ Lớn càng thêm khẩn trương. Trong quá trình đô thị hóa vấn đề giao
thông được đặt ra sớm nhất vì đó là điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị.

Nhìn lại xuyên suốt quá trình phát triển của Sài Gòn – Chợ Lớn từ khu đầm lầy thành phố thị như ngày nay, thật dễ dàng nhận thấy phương thức giao thông của nó chuyển dần từ đường thủy sang đường bộ. Bởi thế mà vấn đề lịch sử kinh rạch ở đây trở thành vấn đề lịch sử phát triển chung của cả thành phố.

Nguồn: Thành Cao Mpa

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *