Lịch sử chùa Cầu ở Hội An

Chùa Cầu ở Hội An do người Nhật xây dựng từ năm 1593, bức ảnh có thể được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1910 – 1930.

(Bức ảnh do nhà báo Dominique Foulon – Phóng viên báo tiếng Pháp “Carnets du VietNam” gửi tặng Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Tại Faifo (Hội An), vào thời này, có hẳn hai khu vực cư ngụ và buôn bán riêng biệt; một khu vực của người Hoa và một khu vực của người Nhật, chia cách nhau bởi chiếc cầu Nhật Bản có mái che do người Nhật xây dựng năm 1593, nay vẫn còn nguyên trạng. Cầu lợp ngói để che mưa nắng cho người lưu thông trên đó nên vào thời kỳ đầu, cư dân địa phương gọi một cách đơn giản là Cầu Ngói, về sau, căn cứ vào sự hiện diện của một ngôi chùa nhỏ trên cầu, người ta gọi chung là Chùa Cầu. Riêng người Pháp gọi là Pont japonais (cầu Nhật Bản) hay Pont couvert (cầu có mái che).

Năm 1719, trong dịp vào thăm Hội An, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho cầu cái tên “Lai Viễn Kiều” – “cầu nơi khách phương xa tìm đến” (một tài liệu của người Pháp đã nhầm khi viết rằng người đến thăm cầu là vua Lê Hiển Tông, do sự trùng hợp giữa miếu hiệu Hiển Tông của vua Lê và miếu hiệu Hiển Tông của chúa Nguyễn Phúc Chu).

Ở một đầu cầu Nhật Bản , người Nhật đắp tượng hai con chó bằng đất trong tư thế ngồi xổm, đầu cầu bên kia là tượng hai con khỉ. Căn cứ vào chi tiết này, một vài tài liệu giải thích rằng cầu được khởi công xây dựng vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất, tức hai năm sau đó. Lời giải thích trên hoàn toàn sai lạc, vì cầu được xây dựng vào năm 1593 (chi tiết này không bị ai phản bác) là năm Quý Tỵ, không liên quan gì đến các năm Thân, Dậu, Tuất cả.

Riêng ngôi chùa nhỏ trên cầu có tên là Bắc Đế Trấn Vũ, thờ một viên tướng Tàu, còn được gọi là Huyền Thiên Đại đế, do các bang hội người Hoa ở Minh hương xã lo việc thờ cúng. Hàng năm, lễ hội dành cho vị thần này diễn ra vào ngày 20 tháng 7 âm lịch. Căn cứ vào những chữ đại tự trên rầm cầu, được biết vào năm Gia Long thứ 16 (1817), các quan lại, bô lão, bang trưởng và cư dân làng Minh hương đã tiến hành việc trùng tu cầu. Công việc này được tiếp tục vào những năm 1823, 1875 và đến năm 1915, một cuộc trùng tu toàn diện chiếc cầu được tiến hành với những chi tiết trang trí còn tìm thấy ngày nay. Ngôi chùa nhỏ bị hư hại trong một cơn bão trước đó vài năm, đến những tháng đầu năm 1917 mới được tái thiết.

Nguồn: Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Kỳ IV)-Lê Nguyễn

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *