Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1895-1924)

Một trái bom phát nổ cách đây gần 97 năm (19/6/1924) tại Khách sạn Victoria trong tô giới Sa Diện (Quảng Đông, Trung Quốc) để mưu giết tên Toàn quyền Đông Dương – Martial Henri Merlin đã làm sôi nổi dư luận trong nước và thế giới. Mặc dù nghiệp lớn không thành, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó nhận định: “Tiếng bom Phạm Hồng Thái đã báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa xuân”.

Tháng 6 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương – Martial Henri Merlin thực hiện một loạt các cuộc viếng thăm Vân Nam, Hương Cảng, Nhật Bản… để vận động, câu kết, điều đình với chính quyền quân phiệt ở Châu Á về vấn đề trục xuất Việt kiều nhằm ngăn ngừa cuộc vận động giải phóng của dân tộc Việt Nam. Trên đường về, Merlin ghé thăm khu tô giới Sa Diện của Pháp ở Quảng Châu. Được tin, Tâm Tâm Xã chủ trương thực hiện ám sát Merlin để gây thanh thế cho tổ chức, thức tỉnh quốc dân đồng bào trong nước và đánh động dư luận thế giới. Phạm Hồng Thái xung phong trực tiếp thực hiện sứ mệnh này, cùng với sự trợ giúp của một số đồng chí khác.

Bám sát theo hành trình của Merlin từ khi hắn đặt chân xuống bến tàu, nhưng Phạm Hồng Thái chưa ra tay được vì hệ thống mật vụ Pháp bố trí dày đặc và nếu hành động có thể gây thương vong cho người vô tội. Gặp nhiều khó khăn, nhiều lần suýt bị lộ, nhưng Phạm Hồng Thái vẫn kiên quyết thực hiện nhiệm vụ đến cùng. Biết được thông tin ngày 19/6/1924, lãnh sự Pháp sẽ tổ chức đón tiếp tên Toàn quyền Đông Dương – Merlin tại Khách sạn Victoria, Phạm Hồng Thái cải trang là một ký giả với một khẩu súng lục và một trái bom giấu trong máy chụp ảnh, lọt được vào khách sạn. Khi bữa tiệc vừa bắt đầu thì Phạm Hồng Thái ném bom từ cửa sổ vào giữa bàn tiệc. Một tiếng nổ lớn vang lên, nhiều người gục xuống, nhưng Merlin thì chỉ bị thương do đứng cách vị trí bom nổ hơi xa. Tiếng kêu cứu hoảng loạn cả ngôi nhà… Quân cảnh và mật vụ rầm rập xô tới. Lợi dụng lúc lộn xộn, Phạm Hồng Thái đã thoát khỏi khách sạn, nhưng bị cảnh sát truy đuổi gắt gao, súng hết đạn và không cam chịu để lọt vào tay giặc, đã hiên ngang nhảy xuống Bạch Nga Đàm và anh dũng hi sinh. Trước khi làm nhiệm vụ, Phạm Hồng Thái đã từng dặn dò lại với Vũ Hồng Anh đại ý rằng dù việc lớn có thành hay không cũng quyết không chịu để rơi vào tay kẻ thù.

Nhà thơ Tố Hữu đã dành trọn một bài thơ tứ tuyệt để ca ngợi cuộc đời vô cùng đẹp đẽ của Phạm Hồng Thái, người anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam:

Sống chết được như anh,
Thù giặc thương nước mình.
Sống, làm quả bom nổ,
Chết, như dòng nước xanh.

 

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *