Nám mặt tuy không có gì nguy hiểm đến tính mạng nhưng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhiều phụ nữ. Nó ảnh hưởng đến tâm lý, khiến nhiều người lo âu mất ngủ làm mức độ nám mặt thêm trầm trọng hơn.
Màu đen của da do một chất hắc tố gọi là melanin quyết định. Hắc tố này được tạo ra từ tế bào hắc tố gọi là melanocyte, nằm phân bố rải rác ở lớp đáy của thượng bì da. Người có làn da trắng, không bị nám thì chất melanin ít hơn. Người bị bạch biến thì chất này mất hoàn toàn. Khi đã bị nám, cần lưu ý các vấn đề sau:
- Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt. Khi phải tiếp xúc với nắng, cần đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang dày, đội mũ bảo hiểm có kính che tia tử ngoại từ ánh nắng, bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF từ 15 trở lên.
- Hạn chế việc sử dụng mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm có nhiều hoá chất, nhiều chất thơm, chất lột da, chất tẩy da. Không được bôi chất lột da mạnh, càng lột da mạnh sau này mức độ nám sẽ càng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
- Dùng dược phẩm cần thận trọng và theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu đang dùng thuốc ngừa thai và thấy da mặt bị sạm thì đổi loại thuốc ngừa thai hoặc dùng phương pháp ngừa thai khác.
- Cần tìm và loại bỏ nguyên nhân gây nám. Không lo lắng suy nghĩ nhiều, tránh stress, ngủ đầy đủ 7 – 8 giờ/ngày. Ăn thêm rau quả tươi, uống nước đầy đủ.
- Tuyệt đối không dùng “kem trộn” có chất corticoid bán ngoài chợ hoặc một số nơi gọi là “thẩm mỹ viện”. Bôi kem hoặc thuốc có chất corticoid có thể giúp vết nám mờ nhanh nhưng sau đó nám sẽ mau chóng xuất hiện trở lại nhiều hơn và dễ gây tác dụng phụ do corticoid như nổi mụn nhiều, da bị nhờn, bị đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu…
- Sử dụng thuốc trị nám tốt nhất theo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Áp dụng kỹ thuật mới trong chữa trị nám như laser, IPL (intense pulsed light) đốt vài lần thì có hiệu quả, nhưng cũng khó ngăn chặn được tái phát sau khi ngừng chữa trị.
BS. Huỳnh Huy Hoàng Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh
(Theo Báo Tuổi trẻ)