1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:
+ Tuổi: đái tháo đường tuýp 2 có thể gặp ở người trẻ tuổi, nhưng thường hay xảy ra ở nhóm người tuổi trung niên trở lên.
+ Dân tộc/chủng tộc: đái tháo đường tuýp 2 gặp ở tất cả các dân tộc, nhưng có thể hay gặp hơn ở một số chủng tộc.
+ Tiền sử gia đình: gia đình có người bị đái tháo đường tuýp 2 là yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và rối loạn đường máu. Những đối tượng có mối liên quan huyết thống gần gũi với người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao gấp 4 – 6 lần người bình thường.
+ Di truyền: Bố mẹ có mang gene đặc hiệu ảnh hưởng đến insulin, làm cho chính bản thân họ cũng như con cái của họ có nguy cơ bị đái tháo đường trong tương lai.
+ Đái tháo đường thai kỳ: đái tháo đường thai kỳ là yếu tố nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường tuýp 2, 50% phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ trở thành đái tháo đường tuýp 2 trong khoảng thời gian 5 – 10 năm, 80% trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời.
+ Tiền sử sinh con nặng trên 4 kg: trẻ mới sinh nặng > 4 kg là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 cho cả mẹ và con.
2. Các yếu tố nguy cơ có thể dự phòng, thay đổi được:
+ Yếu tố môi trường và lối sống: tỷ lệ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường vùng đô thị cao
hơn so với vùng nông thôn; ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ gây ra đái tháo đường tuýp 2; lối sống ít vận động, hút thuốc lá, ít khi hoặc không bao giờ ăn trái cây cũng là một yếu tố nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2.
+ Tiền sử rối loạn dung nạp đường: người có tiền sử rối loạn dung nạp đường có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 cao gấp 3-10 lần người bình thường.
+ Tăng huyết áp: đây được coi là nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2. Đa số bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có tăng huyết áp và tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2 ở người bệnh tăng huyết áp cũng cao hơn rất nhiều so với người bình thường cùng lứa tuổi. Tỷ lệ tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đều tăng theo tuổi đời, tuổi bệnh, BMI, nồng độ đường máu..
+ Thừa cân, béo phì: thừa cân, béo phì được ghi nhận là một yếu tố nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường tuýp 2, trong đó bệnh béo phì dạng nam (béo bụng) có vai trò đặc biệt quan trọng.
+ Suy dinh dưỡng lúc nhỏ: suy dinh dưỡng trong bào thai và thời thơ ấu nhưng gặp cuộc sống có mức dinh dưỡng dư thừa sau này thì có nguy cơ bị đái tháo đường cao trong tương lai.
+ Chế độ ăn và hoạt động thể lực: tỷ lệ mắc đái tháo đường tăng cao ở những người có chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, nhiều tinh bột tinh chế, ít ăn chất xơ, thiếu vitamin, các yếu tố vi lượng, ít hoạt động thể lực.
Xem thêm: Đái tháo đường là gì?