Nguyễn Văn Huyên – Cả cuộc đời gắn bố với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà

Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16-11-1908 tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cụ thân sinh là một công chức. Lên 8 tuổi, ông mồ côi cha. Mẹ ông làm nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Nguyễn Văn Huyên được học hành cẩn thận, lúc đầu học chữ Hán sau chuyển sang học chữ quốc ngữ. Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp học tập, năm 20 tuổi đỗ tú tài, 1 năm sau đỗ cử nhân văn chương, 1 năm sau lại đỗ thêm một bằng cử nhân luật.

Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris – trường đại học lớn nhất, có uy tín nhất nước Pháp và nổi tiếng trên thế giới. Luận án của ông được xếp hạng xuất sắc và được Hội đồng giám khảo đánh giá là “một sựu kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử nhà trường”. Luận án chính là “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam”, và luận án phụ là “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á”. Ngay lập tức cả hai bản luận án được Nhà xuất bản Paul Geuthner ở Paris công bố thành sách năm 1934. Và cũng ngay lập tức, cả hai quyển sách được đánh giá rất cao trong giới khoa học châu Âu. Hầu hết các tạp chí nhân văn ở các nước Pháp, Đức, Hà Lan… đều điểm hai quyển sách này.

Trong thời gian ở Pháp, ông dạy học 3 năm tại trường Ngôn ngữ Phương Đông. Sau khi đỗ tiến sĩ ông quyết định về nước làm việc, khước từ mọi lời mời ra làm quan, cũng như các hứa hẹn khác của chính quyền thực dân lúc đó, mà đã đi dạy học ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An – Hà Nội) được hơn 3 năm (1935-1938). Rồi, mặc dù có bằng cấp cao nhưng là người Việt Nam bị Tây chèn ép, ông quyết định chọn một “ghề tự do”, chuyên tâm nghiên cứu khoa học, đi sâu vào tìm tòi, phát hiện về dân tộc, sử học, văn hóa Việt Nam. Với các công trình nghiên cứu đặc sắc ông đã được cử làm Ủy viên thường trực Trường Viễn Đông Bác cổ từ năm 1938, Ủy viên hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương từ năm 1941.

Một quyết định có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Văn Huyên diễn ra vào năm 1938 : ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương; ông là ủy viên ban trị sự của hội ở Bắc Kỳ. Trong những ngày sôi động của Cách mạng, ông là một trong những đại diện trí thức của Thủ đô bức điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân. Và ngay sau cách mạng tháng Tám thành công ông được cử làm Tổng giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc Gia giáo dục và kiêm Giám đốc viện Bác cổ, tham dự hai hội nghị quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước đó là hội nghị Đà Lạt và hội nghị Phôngtennơblô. Tháng 11-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông ở cương vị này cho đến khi mất (19-10-1975) vừa đúng 29 năm. Ông là đại biểu quốc hội khóa 2,3,4,5. Ủy viên ban Khoa học Nhà nước, Phó chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam……

Thời gian hoạt động của ông càng lùi vào dĩ vãng, vị trí- vai trò, ý nghĩa các công trình khoa học, cuộc đời dạy học và lãnh đạo giáo dục của Nguyễn Văn Huyên càng được nhiều người nhận biết rõ hơn: một đời gắn bó máu thịt với sự nghiệp khoa học và giáo dục dân tộc, dân chủ, xã hội chủ nghĩa của đất nước ta và Đảng ta, đã được nhà nước ghi công, nhân dân ghi nhớ đời đời, các thế hệ các nhà khoa học, các nhà giáo noi theo và tiếp nối một sự nghiệp đầy vinh quang và trọng đại như một quốc sách hàng đầu.

Nguyễn Văn Huyên đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Từ năm 1944, ông đã công bố cho độc giả, nhất là độc giả phương Tây, biết rằng nhân dân Việt Nam đã phát triển văn hóa của mình đậm dà bản sắc dân tộc, đạt đến đỉnh cao như ông đã đặt tên cho một cuốn sách dày 280 trang đã xuất bản năm đó là: Văn minh Việt Nam. Nền văn minh này dựa trên một kết cấu xã hội hết sức đặc thù là Nhà – Làng – Nước tạo nên một sức mạnh tinh thần vô giá mà ngày nay đã đạt thành chân lý phổ biến: nói về văn hóa, xã hội, con người… Việt Nam, đều đã khẳng định lại như vậy, hoặc lấy đó làm một tiền đề.

Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, góp phần thể hiện người Việt Nam có tín ngưỡng riêng của mình thể hiện qua việc thờ thành hoàng, như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử… Và từ luận án tiến sĩ đến những công trình công bố về sau như một hướng tập trung nghiên cứu của ông là văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc dân tộc, địa lý học lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội nông thôn.

Đọc các tác phẩm của ông, các nhà nghiên cứu đều khâm phục tác giả đã thể hiện một phương pháp khoa học và văn phong mẫu mực. Nhưng một đặc trưng nổi bật hơn là những phân tích tinh tế, sâu sắc, và một khi có đủ căn cứ, đã đi đến những kết luận nói lên những triết lý về cuộc sống của dân tộc Việt Nam, như qua mô tả lễ hội Phù Đổng ông đã đi đến khía quát rằng: Trung, Hiếu, Thuận, Nghịch là nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Một kết luận tổng quát rút ra từ tất cả các công trình nghiên cứu ông đã nói lên sức sống của các dân tộc ở nước ta qua sức lao động hết sức sáng tạo của mình, “tự tạo lấy cuộc sống riêng của mình”, “không chịu sao chép” (Văn minh Việt Nam, 1944, Tr.131) máy móc của bất cứ ai.

Đấy là một số kết luận khoa học đầu tiên về Việt Nam học nói lên tinh thần Việt Nam, khí phách Việt Nam. Và đó cũng chính là tâm hồn của nhà bác học Nguyễn Văn Huyên làm cuộc đời của ông gắn liền với vận mệnh của đất nước, sự nghiệp của ông là sự nghiệp phục vụ nhân dân, đưa ông đến với Cách mạng, với Đảng. ông đã trở thành một trí thức yêu nước tiêu biểu, một nhà giáo cách mạng, người chiến sĩ rất mực trung thành với lý tưởng cao đẹp của dân tộc ta và Đảng ta.

Gần 30 năm (1946-1975) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Nguyễn Văn Huyên đã cùng với đội quân giáo dục và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng xây dựng nền quốc học nhân dân, xóa bỏ được tình trạng 95% dân số mù chữ, tổ chức một mạng lưới trường học rải khắp hang cùng, ngõ hẻm, dựng lên một hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh. Giáo dục thế hệ trẻ nước nhà trở thành công dân tốt, cán bộ tốt, đắc lực phục vụ công cuộc giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tên tuổi Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự nghiệp giáo dục dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa của nước nhà. Cuộc đời và sự nghiệp của ông giữ một vị trí xứng đáng trong lịch sử nền giáo dục nước nhà.

#Kaka

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *