Nguyễn Thị Định là nữ tướng quân đội đầu tiên của nước Việt Nam. Nguyễn Thị Định (15 tháng 3 năm 1920 – 26 tháng 8 năm 1992), còn được gọi là Madame Nguyễn Thị Định, Ba Định (bí danh Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất và Ba Hận. Bà sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, nguyên quán xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre., là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, khiêm nhường, có sức thuyết phục đối với mọi tầng lớp phụ nữ và nhân dân trong nước và quốc tế.
Giai đoạn Đấu tranh giành độc lập và Kháng chiến chống Pháp
Năm 1936, được sự dìu dắt của người anh ruột là Nguyễn Văn Chẩn, bà tham gia phong trào Đông Dương đại hội như đi liên lạc, rải truyền đơn. Bà đã vận động bà con chống sự áp bức, bóc lột cường hào ở địa phương.
Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1940, chồng bà bị đối phương bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh ở đó. Nửa năm sau, bà cũng bị giặc bắt đày đi Bà Rá (thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay.)
Năm 1943, do bị đau tim nặng, bà được trở về quê, chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương.
Năm 1944, bà bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng rồi tiếp tục hoạt động.
Tháng Tám năm 1945, bà tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bến Tre.
Tháng 3 năm 1946, bà tham gia đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ để báo cáo tình hình kháng chiến ở Nam Bộ và xin chi viện vũ khí. Tháng 11 năm đó, bà làm Trưởng đoàn của đoàn thuyền chở vũ khí về Nam.
Năm 1947, bà được bầu vào Tỉnh Ủy Bến Tre. Từ đó, bà cùng các cán bộ lãnh đạo ở địa phương tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân Bến Tre.
Năm 1954, cuộc kháng chiến của nhân dân Bến Tre cùng với cả nước đã giành được thắng lợi.
Giai đoạn chiến tranh Việt Nam
Những năm sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7 năm 1954), Bến Tre là một trọng điểm cần phải bình định của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong thời gian này, bà là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Bến Tre, đã cùng với các cán bộ lãnh đạo khác ra sức bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Tháng 11 năm 1959, bà làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Sau đó bà nhận nhiệm vụ về khu ủy Trung Nam Bộ (Khu 8 cũ) dự hội nghị tiếp thu Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đầu năm 1960, bà một trong những người lãnh đạo Đồng khởi Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi đợt I (17/1/1960)ở ba điểm xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (thuộc huyện Mỏ Cày Nam hiện nay) thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng khởi trong tỉnh và toàn miền Nam sau này.
Sau cuộc Đồng khởi Bến Tre, bà làm Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre.
Năm 1964, trong Đại hội dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ nhất, bà được bầu làm Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương mặt trận. Năm 1965,bà giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam; tại đại hộp Phụ nữ toàn miền Nam, bà làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam.
Giai đoạn nước nhà thống nhất (sau 1975)
30/4/1975, đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Định từ một nữ tướng kiên cường mưu lược trong chỉ huy chiến đấu, trong hòa bình xây dựng, Bà đã trở thành nhà quản lý lãnh đạo đất nước trung thực và liêm khiết, chǎm lo đến đời sống của những người dân nghèo khổ, những người bị oan ức. Nguyễn Thị Định đã dành nhiều tâm lực ở cuối đời vào ý tưởng nhân vǎn cao đẹp đỡ đầu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – một công trình vǎn hóa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với phụ nữ và nhân dân Việt Nam.
Nǎm 1992 Nguyễn Thị Định qua đời sau một cơn đau tim đột ngột, hầu hết các tỉnh, thành Hội phụ nữ trong cả nước đều lập bàn thờ để tưởng nhớ đến Bà. Nhiều địa phương đã đặt tên trường học Nguyễn Thị Định, quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học mang tên Nguyễn Thị Định…. Hình ảnh Nguyễn Thị Định đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.