Nói đến phát sóng vô tuyến người ta vẫn có cảm giác đó là một danh từ khoa học bí ảo, sâu xa và trừu tượng. Thực ra nó chính là sóng vô tuyến trong cuộc sống thường ngày ta vẫn tiếp xúc. Như ta đã biết, đài phát thanh, đài truyền hình và các đài phát tín hiệu khác đều thông qua sóng vô tuyến để truyền tín hiệu đi. Sóng vô tuyến vũ trụ tức là thiên thể trong vũ trụ phát ra các sóng vô tuyến.
Đầu thế kỷ XX có người dự đoán rằng: có thể thu được sóng vô tuyến của các thiên thể phát ra. Nhưng vì bị kỹ thuật hạn chế, mãi đến năm 1931 một kỹ sư vô tuyến Mỹ là Jansky khi nghiên cứu nhiễu của sóng vô tuyến đối với thông tin tầm xa đã phát hiện sóng vô tuyến từ trung tâm hệ Ngân hà truyền đến. Từ đó người ta mới bắt đầu chú ý đến sóng vô tuyến của các thiên thể phát ra. Sau đại chiến thế giới thứ 2, một phân ngành thiên văn học chuyên nghiên cứu sóng vô tuyến từ vũ trụ phát ra, gọi là thiên văn học vô tuyến. Sau khi ra đời, ngành này đã phát triển rất nhanh và giành được nhiều thành tựu huy hoàng. Bốn phát hiện lớn của thiên văn học ở thập kỷ 60 của thế kỷ XX: quaza, punxa, các phân tử giữa các vì sao và bức xạ vi ba phông vũ trụ đều là công lao cống hiến của quan trắc thiên văn vô tuyến.
Sóng vô tuyến có một đặc điểm mà sóng quang học không có, đó là đặc điểm có tác dụng đặc biệt để khám phá bí mật của vũ trụ. Một là bước sóng của nó dài gấp triệu lần so với bước sóng ánh sáng. Các đám bụi vũ trụ là những vật vô cùng lớn, có thể chặn đứng sóng ánh sáng, nhưng đối với sóng vô tuyến thì nó không đáng kể, sóng vô tuyến dễ dàng vòng qua nó để tiếp tục truyền đi. Một đặc điểm khác nữa của sóng vô tuyến là bất cứ vật thể nào dù nhiệt độ rất thấp, chỉ cần cao hơn độ không tuyệt đối (-273°C) đều phát ra sóng vô tuyến. Còn vật thể muốn phát ra sóng ánh sáng nhiệt độ phải không thấp hơn 2000°C. Trong vũ trụ bao la có nhiều vật thể nhiệt độ rất thấp, chúng ta tuy không nhìn thấy nó nhưng chúng có thể phát ra sóng vô tuyến. Thông qua thu, quan trắc sóng vô tuyến mà nghiên cứu được nó. Ngoài ra rất nhiều thiên thể vì phát sinh một số hiện tượng thiên thể đặc biệt mà phát ra một lượng lớn sóng vô tuyến, có những “hệ sao phát sóng vô tuyến” mạnh gấp 10 triệu lần so với hệ Ngân hà, khiến ta có thể phát hiện được nó ở những cự ly cách xa 10 tỉ năm ánh sáng. Nếu dùng kính viễn vọng quang học lớn nhất vẫn không thể tìm được nó.
Ta thường ví kính viễn vọng quang học là “con mắt nghìn dặm” của các nhà thiên văn, nếu vậy có
thể ví kính viễn vọng vô tuyến là “tai nghe bằng gió” của các nhà thiên văn. Dùng nó có thể “nghe” được vô số đài vô tuyến trong vũ trụ – những vì sao phát ra sóng vô tuyến. Ngày nay đã tìm thấy mấy vạn ngôi sao như thế, trong đó phần lớn là sao chưa biết. Những sao đã biết được gồm có tàn dư của sao siêu mới, các tinh vân trong hệ Ngân hà, một số hệ sao có hình dạng đặc biệt nằm ngoài hệ Ngân hà, những sao nơtron tự quay với tốc độ nhanh, nhân của hệ sao hoạt động… Hiện nay các nhà thiên văn đã có được trong tay loại kính viễn vọng vô tuyến có thể nghe thấy những ngôn ngữ riêng cách xa 10 tỉ năm ánh sáng nằm sâu trong vũ trụ. Những sóng vô tuyến này đều là của các thiên thể ra đời hơn 10 tỉ năm trước phát ra. Khi ta quan sát được những thiên thể càng xa, ta có thể nhìn thấy bộ mặt của vũ trụ càng xa xưa hơn nữa.
Con người ngoài việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất ra, còn dùng kính viễn vọng vô tuyến phát
sóng vô tuyến có quy luật vào vũ trụ, hy vọng những sinh vật có trí tuệ khác trong vũ trụ sẽ nhận được. Đồng thời ta cũng ra công tìm kiếm những sóng vô tuyến từ trong vũ trụ phát ra, hy vọng có thể nghe được âm thanh của những sinh vật có trí tuệ từ ngoài Trái Đất.