Như chúng ta đã biết, ngày 2/9 chính là ngày Quốc khánh Việt Nam. Đây được coi như là một ngày lễ lớn hằng năm của nước ta, kỉ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Việc chọn ngày 2/9/1945 là ngày đọc “Tuyên ngôn độc lập” cũng có nhiều lý do.
Sau ngày 19 tháng 8, Chủ tịch Chí Minh và các cộng sự bàn bạc việc chọn ngày ra mắt quốc dân để đọc Tuyên ngôn độc lập. Có nhiều ý kiến đề nghị chọn ngày gần sau đó là ngày 25 hoặc 28 tháng 8.
Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Liệu thì việc Hồ Chủ tịch chọn ngày 2/9 là để trùng với ngày Phát xít Nhật chính thức ký thỏa thuận đầu hàng quân Đồng Minh và lá cờ phát xít Nhật bị hạ xuống, qua đó nhằm thể hiện rõ Việt Nam là một quốc gia độc lập. Ngày 28/8, Hồ Chủ tịch mới bắt đầu viết Tuyên ngôn Độc lập nên không thể ra mắt đồng bào trước ngày 28/8. Hồ Chủ tịch đặt yêu cầu với các phụ tá là phải tổ chức Lễ đọc tuyên ngôn không thể ngắn hơn 4 ngày nhưng cũng không thể kéo dài hơn 4 ngày vì quân Tưởng Giới Thạch đã bắt đầu kéo vào Việt Nam, vì vậy ngày 2/9 đã được chọn.
Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, hơn 50 vạn người dân Hà Nội đã tụ họp tại quảng trường Ba Đình chào mừng thành lập chính phủ mới. Thay mặt cho toàn thể chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định: “Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.