1.Thực tế là gì?
Khi tôi học trung học phổ thông, bóng đá là cả cuộc sống của tôi. Tôi là một trong các thủ môn của đội bóng bang California, khi đó cũng thuộc Chương trình Phát triển cho Olympic, và tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của vai trò của mình. Khả năng chắn bóng của tôi có thể quyết định kết quả trận đấu. Và mặc dù tôi rất tự tin vào kỹ năng của mình, sự xuất hiện của huấn luyện viên trong một trận đấu đủ làm tôi hoang mang. Tôi thấy ông ta quan sát mình. Tôi căng thẳng. Và tôi đã bắt trượt cú ghi bàn quyết định. Tôi uất ức.
Câu chuyện của tôi không khó bắt gặp. Có rất nhiều người tài giỏi đã từng thất bại trong một cuộc phỏng vấn, hậu đậu trong một lần thuyết trình, hay thất bại trong việc gánh vác (hay cứu) một bàn thắng khi phải chịu áp lực. Khi những tình huống này xảy ra, có một điều mà người ta không thể không nói: những người này bị “choán hết đầu óc”. Giả sử đúng như vậy, thì hiện tượng này nghĩa là thế nào?
Theo y học, vùng vỏ não trước trán, nằm ở phần não ngay trên mắt, là trung tâm của năng lực tư duy giúp ta tập trung vào công việc hiện tại. Khi thực hiện các nhiệm vụ theo thói quen hàng ngày, trái với những gì mọi người tưởng, ta thường không chú ý đến mọi chi tiết của những gì ta làm; phần não trước trán lúc đó ở chế độ tự động. Nhưng trong lúc căng thẳng tột độ, ví dụ như một trận đấu loại, một bài thuyết trình lớn, hay một cuộc phỏng vấn xin việc, vỏ não trước trán có thể bị quá tải. Khi áp lực xuất hiện, ta thường tập trung vào chi tiết từng bước của công việc mình làm để cố đạt được kết quả tốt nhất, dẫn đến việc phá hỏng thói quen uyển chuyển và tự nhiên của mình. Đó là nguyên do chúng ta bắt đầu làm quá lên với một việc mà mọi lần chúng ta làm rất tự nhiên và thành thạo – giống như trong câu chuyện bên trên là việc bảo vệ khung thành cho đội của mình.
2. Bạn làm gì khi vùng vỏ não trước trán trở nên rối loại?
Đầu tiên, khi sắp phải bước vào một tình huống căng thẳng, mà bạn đã tập luyện đến độ hoàn hảo, đừng suy nghĩ nhiều quá về những gì sau đó. Năm phút trước khi sự kiện trọng đại bắt đầu không phải là lúc bạn bắt đầu lướt lại mọi chi tiết của công việc sắp phải làm. Thay vào đó, hay cho mình một lúc để nghĩ về thứ khác. Giải ô chữ chẳng hạn. Hãy nghĩ về kỳ nghỉ tháng tới. Niềm vui bí mật của tôi là cập nhật tin tức từ báo People Magazine. Hãy làm gì đó để tránh cho bạn đắm chìm vào những chi tiết của nhiệm vụ sắp tới.
Nếu bạn phát hiện ra mình bắt đầu nghĩ lung tung, hãy thử hát một bài hát, nhẩm lại một câu nói, hay tập trung vào ba điểm cốt yếu bạn muốn truyền đạt cho người nghe. Những phương pháp này sẽ chiếm lại năng lượng tư duy cho bạn để khỏi bị dùng vào việc tiêu cực. Giả sử bạn đang chuẩn bị phỏng vấn xin việc. Bạn đã thuộc lòng hồ sơ của mình, và ở trong hoàn cảnh bình thường bạn sẽ dễ dàng trình bày lại những điểm mạnh và thành tích của mình. Nhưng khi ngồi trên ghế nóng, bạn lại sợ cứng người. Tình hình sẽ được cải thiện, nếu bạn dành một ít thời gian trước đó để khuấy động vùng vỏ não trước trán bằng các hoạt động không liên quan, bạn sẽ ít có điều kiện để nghĩ quẩn và có thể truyền đạt những gì muốn nói một cách hiệu quả hơn.
Bạn cũng có thể tự nhắc mình rằng những triệu chứng cơ thể xảy ra trước một sự kiện quan trọng – ví dụ như ra mồ hôi tay hay tim đập mạnh – là những dấu hiệu tích cực. Chúng cho thấy bạn đã sẵn sàng cho thử thách phía trước. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc thay đổi nhận thức về các phản ứng sinh lý từ tiêu cực thành tích cực có thể giúp chúng ta đạt hiệu quả cao trong thời khắc quan trọng nhất.
Tất nhiên, bạn không thể hát một bài ngay giữa buổi phỏng vấn. Và khi bạn đang ngồi đối diện sếp trong một buổi họp hay ca thuyết trình quan trọng, bạn không thể mời họ cùng lẩm nhẩm với mình. Làm chúng một cách kín đáo, thực hiện chiến thuật ngầm để thu hút sự chú ý của vỏ não trước trán. Và khi bạn thấy mình bắt đầu cố kiểm soát mọi từ sắp nói, hãy nghĩ đến ngón út của mình – bí quyết mà vận động viên golf nổi tiếng Jack Nicklaus đã dùng trên sân cỏ để tránh bị quá tập trung vào những cú đánh đơn giản.
Tất cả những kỹ thuật đó chỉ có tác dụng khi bạn đã chuẩn bị tốt. Tất nhiên, tự làm mình xao nhãng khi chưa thuộc bài thuyết trình sẽ chẳng cứu được bạn. Việc tạo cho mình một môi trường để luyện tập rất quan trọng. Ví dụ nếu bạn sắp làm bài thi phát triển nghề nghiệp, hãy chuẩn bị tâm lý bằng các bài thi thử. Tương tự như thế, bạn có thể bấm giờ khi làm các bài luyện tập ở nhà để tạo ra một môi trường giống như khi thi. Đối với các tình huống không chỉ có mình bạn, như thuyết trình hay phỏng vấn – bạn có thể bảo một nhóm nhỏ các đồng nghiệp giúp mình tập dượt trước tình huống. Trong trường hợp không có khán giả, hãy quay hoặc ghi âm lại, thậm chí tự luyện tập trước gương. Bằng cách chạy thử tình huống, luyện tập trí não mỗi ngày, bạn sẽ bớt căng thẳng và tạo được bản lĩnh trước thời khắc quan trọng có áp lực cực kỳ nặng nề.
Và cuối cùng, nếu thất bại, thì cũng không phải chuyện gì sụp đổ ngay được. Hãy nhớ rằng: đây không phải là dấu chấm hết. Bạn có thể bị thất vọng và thậm chí xấu hổ, nhưng giống như những thứ khác trong cuộc sống, đó là một trải nghiệm đáng quý. Hãy dùng cơ hội đó để học cách xử lý căng thẳng và áp lực tốt hơn vào lần sau. Dù sao thì, ngày mai vẫn cứ đến và mặt trời vẫn cứ mọc thôi.
Nguồn: Harvard Business Review
Dịch bởi: Trường Doanh nhân HBR