- Tam tòng (ba điều theo):
Đây là nguyên tắc của lễ giáo phong kiến. Theo nguyên tắc Nho giáo này thì người phụ nữ chỉ là người phụ thuộc trong gia đình: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” – lúc là con gái ở nhà thì phải theo cha, lúc lấy chồng thì phải theo chồng và khi chồng chết thì phải theo con trai – người chủ gia đình. Nếu người phụ nữ vi phạm phép tắc này thì bị xã hội lên án có khi còn phải chịu hình phạt nặng nề.
- Tứ đức:
Theo Khổng giáo, bốn đức mà người phụ nữ phải có là: công, dung, ngôn, hạnh.
– Công: khéo léo, đảm đang trong việc gia chánh nội trợ.
– Dung: đáng điệu đoan trang, cách ăn mặc trang điểm, chải chuốt trang nhã gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm chính, đi đứng khoan thai, vẻ mặt dịu dàng tươi tắn.
– Ngôn: lời ăn tiếng nói dịu càng mềm mỏng. biết thưa gửi ứng đối lịch sự, khôn khéo.
– Hạnh: nết na, hiền từ, trên kính dưới nhường, hiếu thuận, ăn ở đúng mực, chiều chồng thương con.
Đối với đàn ông bốn đức tính đó là hiếu, đễ, trung, tín.
– Hiếu: hiếu với cha mẹ.
– Đễ: hoà thuận thương yêu anh em.
– Trung: trung với vua.
– Tín: với bạn bè, người ngoài phải giữ đúng lời hứa, có tín nhiệm.
Trong thời đại ngày nay, tuy phụ nữ đã có vai trò và vị trí khác trước. Cuộc sống của họ không chỉ bó hẹp trong gia đình nữa mà họ còn tham gia các hoạt động xã hội bình đẳng với người đàn ông. Nhưng bình đẳng không có nghĩa là đồng đẳng bởi người phụ nữ dù ở cương vị nào chăng nữa trước hết vẫn cần thực hiện tốt thiên chức của mình. Do vậy, những nội dung đạo đức của Nho giáo nêu trên cần được coi trọng và tiếp thu những yếu tố phù hợp với hoàn cảnh mới.