Từ khi đại dịch Covid19 xuất hiện, chắc hẳn chúng ta đã quá quen thuộc với những thuật ngữ như test covid, test nhanh, test PCR. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ test nhanh là gì, test PCR là gì và khi nào thì chúng cho kết quả âm tính hoặc dương tính, tại sao nhiều người test dương tính nhưng sau lại âm tính và có nhiều người xét nghiệm âm tính nhưng sau lại dương tính nhé.
Trước hết, test covid là kiểm tra xem trong người một ai đó có virus Corona hay không. Nếu có tức là người đó bị nhiễm bệnh và dương tính còn không thì có nghĩa là không nhiễm bệnh và âm tính. Tuy nhiên vấn đề là làm sao để biết trong người một ai đó đã bị có virus xâm nhập hay chưa? Có câu “Mọi hành vi đều để lại dấu vết”, thế thì khi virut xâm nhập vào cơ thể người, chắc chắn cũng để lại dấu vết để chúng ta phát hiện ra, và mỗi dấu vết sẽ tương đương với một phương pháp phát hiện khác nhau. Vậy ở đây có những dấu vết gì?
Như chúng ta đã biết, virut Corona gồm hai phần là vỏ và vật chất di truyền. Vỏ của nó chứa một loại protein đặc biệt. Thông qua việc kiểm tra xem loại protein này có tồn tại trong cơ thể , chúng ta sẽ biết có nhiễm virut hay không. Đây chính là phương pháp test kháng nguyên, hay còn gọi là test nhanh.
Tiếp theo, virut mang vật chất di truyền chính là bộ gen để nó tự nhân bản lên hàng tỉ con trong người chúng ta. Và với việc kiểm tra xem gen của nó có tồn tại trong cơ thể hay không, chúng ta có cách test thứ hai đó là test PCR.
Và còn một phương pháp nữa đó là dựa vào việc khi virut vào cơ thể, nó sẽ tạo ra kháng thể chống lại virut, vậy nên nếu có loại kháng thể này tồn tại trong cơ thể thì chứng tỏ virut đã xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Đó là phương pháp test kháng thể.
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng đi vào tìm hiểu chi tiết từng phương pháp.
Đầu tiên là test nhanh kháng nguyên. Như đã nói, phương pháp này kiểm tra xem có sự tồn tại của protein đặc biệt ở vỏ con virut hay không. Như các bạn đã biết, protein có cấu tạo từ những chất hóa học, vì vậy nó sẽ có những đặc tính hóa học. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra những chất hóa học mà khi bỏ chúng vào với protein trong virut sẽ tạo ra các phản ứng hóa học làm đổi màu que test, từ đó chúng ta có thể phát hiện có sự tồn tại của virut hay không. Để thực hiện test nhanh, người ta sẽ dùng tăm bông ngoáy vào mũi để lấy dịch nhầy có chứa virut, sau đó thì đưa vào xét nghiệm là xong. Ưu điểm của phương pháp test nhanh là sự nhanh gọn, không cần máy móc phức tạp, chỉ cần 15-30 phút đã cho ra kết quả. Nhưng phương pháp này có một nhược điểm lớn đó là lượng virut phải dày đặc thì mới phát hiện ra. Tức là một người đã bị nhiễm khá lâu, virut đã sinh sản rất nhiều trong người đó rồi thì test nhanh mới phát hiện được. Còn nếu vừa bị nhiễm, virut đang còn ít hoặc người đó đã bị nhiễm lâu rồi, sắp khỏi bệnh, viruti cũng đang chết dần thì sẽ không phát hiện ra do lượng virut quá ít. Chính vì vậy phương pháp này sẽ cho kết quả không tuyệt đối chính xác. Kết quả chính xác bao nhiêu cũng phụ thuộc rất nhiều vào hãng sản xuất kit test, loại kit test là gì. Ví dụ như loại kit test của Trung Quốc bán trên mạng thì chỉ có 1-2$ và chỉ đúng được khoảng 30-40 phần trăm. Nhưng gần đây Mỹ đã sản xuất một bộ kit test cho độ chính xác lên tới 99% và tất nhiên giá cũng khá cao, lên đến gần 1 triệu đồng cho một bộ kit.
Tiếp theo là phương pháp test PCR. PCR là viết tắt của từ Polimerase Chain Reaction, có nghĩa là chuỗi phản ứng Polimerase. Chuỗi phản ứng này có liên quan gì đến việc test covid, chúng ta hãy cùng tìm hiểu. Trong con virut, có chứa gen di truyền, cụ thể là chuỗi RNA. Để biết cơ thể có nhiễm virut hay không, chúng ta phải kiểm tra xem có tồn tại chuỗi RNA hay không. Mà bình thường RNA rất ít, chúng ta khó có thể phát hiện được nhưng nhờ phát hiện ra phản ứng chuỗi polimerase, các nhà khoa học đã có thể tìm ra cách nhân bản chuỗi RNA của virut lên hàng triệu bản. Với khoảng 2^45 chuỗi RNA được tạo ra, nồng độ rất đậm đặc, họ có thể dễ dàng phát hiện ra sự tồn tại của nó thông qua các chất hóa học hoặc chất phản quang. Hiểu nôm na thì phương pháp này giống như việc bạn kiểm tra xem máy tính có đang mở nhạc hay không. Nếu bạn mở ở mức 1% thì chẳng rõ máy tính có phát nhạc hay không nhưng khi tăng âm lượng lên 100% thì có nhạc hay không chắc chắn là sẽ biết. Nhờ khả năng khuếch đại, phương pháp này mang lại độ chính xác rất cao, thường hơn 99%. Tuy nhiên nó có nhược điểm là cần rất nhiều máy móc với một quy trình xét nghiệm phức tạp nên rất lâu, mất khoảng 6 tiếng mới biết kết quả và chi phí cũng rất tốn kém, lên tới hàng triệu đồng. Chính vì vậy, nhà nước chỉ test pcr với những người nguy cơ cao, cần phải kiểm tra kỹ mà thôi.
Ngoài ra còn một phương pháp nữa là test kháng thể. Như đã nói ở trên, nếu virut vào cơ thể người, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể. Kiểm tra sự tồn tại của kháng thể sẽ biết người đó có bị nhiễm bệnh hay không. Nhưng phương pháp này không hiệu quả vì thứ nhất là cơ thể cần 7 đến 10 ngày để sinh ra kháng thể nên nếu test vào ngày thứ 6 trở lại sẽ không phát hiện ra. Thứ hai, cơ thể đã khỏi bệnh thì vẫn có kháng thể, test vẫn lên dương tính. Như vậy chỉ biết được người đó đã từng có virut xâm nhập còn không rõ virut đang tồn tại hay đã chết. Thứ 3 là tiêm vắc xin cũng sinh ra kháng thể nên không nhiễm bệnh thì khi test vẫn có thể dương tính. Do đó, người ta không dùng phương pháp này để test covid mà họ chỉ dùng phương pháp này để dự đoán khoảng thời gian một người đã bị nhiễm virut từ đó tìm ra manh mối về nguồn gốc của dịch bệnh.
Như vậy tóm lại chúng ta có thể hiểu rằng test nhanh là kiểm tra xem có vỏ virut ở trong dịch họng hay không. Test PCR là kiểm tra xem có gen di truyền của virut trong dịch hay không. Và kết quả test cũng phụ thuộc vào chất lượng sản xuất của bộ kit test.
Vậy là qua bài viết này, các bạn đã có thể trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến đại dịch lớn nhất toàn cầu hiện nay là Covid 19, từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Nguồn: Kiến thức thú vị.