Thế nào là đái tháo đường?

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đái tháo đường là một hội chứng biểu hiện bằng tăng đường máu (glucose máu) do hậu quả của việc thiếu hoặc mất hoàn toàn insulin, hoặc do liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin.

 Nếu đường máu tăng do thiếu insulin thì gọi là đái tháo đường tuýp 1, nếu đái tháo đường có đặc điểm: (1) tăng đường máu, (2) kết hợp với những bất thường về chuyển hoá tinh bột, dầu mỡ và đạm, (3) gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch thì gọi là đái tháo đường tuýp 2.
 Ngoài ra còn có một số loại đái tháo đường khác như đái tháo đường thai kỳ (là đái tháo đường được phát hiện lần đầu khi mang thai), hoặc các thể khác.
 Trong các loại đái tháo đường này, trên 80% bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2, do đó ở bài này, chúng tôi chỉ tập trung vào đái tháo đường tuýp 2.
 Theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới – IDF Diabetes Atlas ở Việt Nam, năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.
 Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.Đái tháo đường được chẩn đoán khi mức đường máu ≥7,0 mmol/l (≥126 mg/dl); hoặc glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/l (200 mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống; hoặc HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol); hoặc có các triệu chứng của đái tháo đường (lâm sàng) và mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l (200 mg/dl).
Tiền đái tháo đường được chẩn đoán nếu glucose huyết tương 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose máu bằng đường uống từ 7,8 mmol/l (140 mg/dl) đến 11,0 mmol/l (200 mg/dl); hoặc glucose huyết tương lúc đói (sau ăn 8 giờ) từ 5,6 mmol/l (100 mg/dl) đến 6,9 mmol/l (125 mg/dl); và glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ của nghiệm pháp dung nạp glucose máu dưới 7,8 mmol/l (< 140 mg/dl); hoặc HbA1c từ 5,6% đến 6,4%.
 Ở người bị đái tháo đường, tình trạng đường máu tăng cao thường xuyên, tác động lên mạch máu, dẫn tới sự phá hủy hàng loạt các cơ quan trong cơ thể. Hậu quả là tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt và có thể chảy máu gây mù loà, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, giảm thị lực, giảm chức năng lọc thận, suy thận, hay mắc các bệnh nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch, các biến chứng cấp tính như hạ đường huyết, hôn mê,…

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *