Thiên tình sử lằng nhằng nhất Việt Nam

Câu chuyện hôn nhân giữa Quang Trung, Nguyễn Ánh, Quang Toản, Ngọc Hân, Ngọc Bình có lẽ là thiên tình sử “lằng nhằng” nhất trong lịch sử Việt Nam.

Mối tình Ngọc Hân – Quang Trung lâu nay vẫn được xem là một mối tình đẹp: trai anh hùng, gái thuyền quyên. Mối tình ấy có căn nguyên từ những diễn biến lịch sử chính trị dồn dập.

Với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, sau khi tiêu diệt chúa Trịnh, Nguyễn Huệ vào Thăng Long yết kiến vua Lê để dâng sổ sách quân dân tỏ ý tôn phò.

Ngay sau đó, Vua Lê lại theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Năm đó công chúa Ngọc Hân vừa tròn 16 tuổi. Lễ cưới được tổ chức linh đình vào ngày 11 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức 4/8/1786 Dương lịch).

Mối tình của Ngọc Hân và Quang Trung ban đầu chỉ là sự sắp đặt theo mưu đồ chính trị của Nguyễn Hữu Chỉnh và tôn thất nhà Lê nhằm tạo một sự ràng buộc bằng tình cảm giữa Nguyễn Huệ với nhà Lê.

Tuy nhiên, sau đó, cuộc tình này lại trở thành một thiên tình sử đẹp. Khi Nguyễn Huệ xưng Quang Trung hoàng đế để tiến ra Bắc đánh quân Thanh đã phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Đến khi nhà vua đại phá quân Thanh, giữa không khí thắng lợi tưng bừng vẫn không quên cho người mang một cành đào cấp tốc đưa về Phú Xuân cho Ngọc Hân.

Đặc biệt nhất, khi vua Quang Trung mất, Ngọc Hân đã viết nên tác phẩm Ai Tư Vãn bất hủ để khóc Quang Trung khiến cho mối tình của họ đi vào văn học.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như năm 1795 không có một cuộc hôn nhân thứ hai liên quan đến công chúa Ngọc Hân. Đó là đám cưới giữa công chúa Ngọc Bình với hoàng đế Cảnh Thịnh.

Vua Cảnh Thịnh tên là Nguyễn Quang Toản, là con của vua Quang Trung với hoàng hậu họ Phạm, người Bình Định. Còn công chúa Ngọc Bình là con gái thứ 23 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông.

Cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Bình và hoàng đế Cảnh Thịnh đã đặt họ cùng với Ngọc Hân và Quang Trung vào một mối quan hệ họ hàng vô cùng phức tạp. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em lại vừa là mẹ chồng nàng dâu. Vua Quang Trung với vua Cảnh Thịnh vừa là cha con vừa là anh em cọc chèo.

Tuy nhiên, sự trớ trêu của lịch sử chưa dừng ở đó.

Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, ông lại góp mặt vào chuỗi quan hệ phức tạp này.

Cuốn Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực soạn dưới thời Tự Đức có chép: “Năm Nhâm tuất, Gia Long năm đầu (1802)… Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua…Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…”.

Mặc dù nhiều quan lại can ngăn, nhưng say đắm trước nhan sắc của Ngọc Bình, vua Gia Long vẫn quyết định lấy bà làm phi. Nhà vua nói “Mọi thứ trong thiên hạ này có thứ gì mà ta không lấy từ tay giặc”.

Chuyện tình của Ngọc Bình với Gia Long được dân gian đặt thành câu vè “Số đâu có số lạ lùng, con vua lại lấy hai chồng làm vua”.


#HistoTEA là sự kết hợp giữa từ lóng “TEA” ( Từ lóng ám chỉ những câu chuyện truyền miệng thú vị) và “History” (Lịch sử). Series HistoTEA ra đời để đem đến những câu chuyện ít ai biết, nhưng đã biết thì sẽ muốn biết nhiều hơn. Điều chúng tôi mong muốn là lan tỏa tình yêu lịch sử và những giá trị tích cực cho các bạn.

Hãy comment đóng góp những HistoTEA mà các bạn biết cho chúng tôi nhé!

Credit: Họa sĩ Mai Trung Thứ
Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *