Trong cuộc sống gấp gáp, nhiều người có thói quen xem nhẹ việc ăn uống, đặc biệt là vào bữa sáng và bữa trưa. Bỏ bữa dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu máu, gây ra các triệu chứng mệt mỏi, choáng ngất, sắc da xanh, nhợt nhạt.
Thiếu máu là tình trạng thiếu huyết sắc tố (hemoglobin) – sắc tố màu đỏ chuyển dưỡng khí oxy đi khắp cơ thể, giúp cho hồng cầu có màu đỏ tươi. Mức hemoglobin trong máu người bình thường là khoảng 14gr/100ml máu. Nếu kết quả thử máu cho con số dưới 11gr hemoglobin/100ml, cơ thể có khả năng bị thiếu máu.
Các triệu chứng thiếu máu
Thiếu máu có thể do số lượng hồng cầu đang vận hành trong người bị sụt giảm, hoặc do sự mất thăng bằng của hàm lượng huyết sắc tố hồng cầu, hoặc do cả hai. Thiếu sắt, axit folic, vitamin B12 hay giảm sản xuất hồng cầu đều dẫn tới bệnh này. Đặc biệt, thiếu máu do giảm sản xuất hồng cầu sẽ dẫn đến những căn bệnh nan y khác như: bạch cầu, ung thư xương. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 – thiếu máu ác tính ảnh hưởng đặc biệt đến sự sống còn của hệ thần kinh trung ương và có thể phải điều trị suốt đời bằng những loại thuốc bổ sung.
Riêng tình trạng thiếu máu do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, BS. Hà Tiến Phan, Bệnh viện 354 cho rằng, bệnh nhân có thể tự trị bệnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống bổ sung hai dưỡng chất thiết yếu là sắt và acid folic. Đặc biệt, phụ nữ trong giai đoạn kinh kỳ hằng tháng hoặc trong thời gian mang thai, cơ thể bị thiếu chất sắt và axit folic nên rất cần chế độ ăn uống hợp lý và làm việc vừa phải.
Chất sắt có nhiều trong các loại rau lá xanh như: rau cải xoong, rau muống, cải bó xôi, các loại thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò và gan gia cầm, cá biển, trái cây, hạt quả khô. Các sinh tố nhóm B rất dồi dào trong men bia, sản phẩm có mầm lúa mỳ và trong hạt khô nguyên vẹn, chưa tách đôi. Không có nguồn thực vật nào có thể cung ứng đủ lượng vitamin B quan trọng mỗi ngày. Do đó, chỉ có chế độ ăn đủ chất mới có thể cung cấp lượng vitamin B cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại hoa quả giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi để tạo môi trường thuận lợi cho cơ thể hấp thu sắt một cách tối đa. Nên lựa chọn những loại thực phẩm giàu vitamin C sau đây để kết hợp với những thực phẩm giàu chất sắt để tăng tác dụng bổ huyết cho cơ thể.
Rau ngót có hàm lượng vitamin C là 185mg/100g, cần tây 150mg/100g, rau dền đỏ 89mg/100g, rau đay 77mg/100g, rau dền cơm 61mg/100g. Các loại hoa quả: nhãn 60mg/100g. quýt 57mg/100g, đu đủ 55mg/100g, nho 48mg/100g, cam 40mg/100g…
Những thực phẩm giàu chất sắt: tiết lợn 20,4mg/100g, gan lợn 12mg/100g, gan bò 9,0mg/100g. gan gà 8.2mg/100g, lòng đỏ trứng gà 7.0mg/100g, lòng đỏ trứng vịt 5,6mg/100g, tép khô 5.4mg/100g. thịt bồ câu 5,4mg/100g, tim gà 5,3mg/100g. cua đồng 4,7mg/100g, tôm khô 4,6mg/100g.
Hồng Anh