Trước đây, tôi từng thấy một cuộc thảo luận trên weibo với chủ đề: Thu nhập hàng tháng là bao nhiêu thì mới nghĩ đến việc kết hôn?
Nói thật thì tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy chủ đề này, thật là tầm thường khi dùng tiền để đo lường cảm xúc.
Nhưng không thể xem nhẹ được khi vấn đề tài chính đã trở thành rào cản khi muốn tiến đến hôn nhân. Mặc dù mỗi người có những suy nghĩ khác nhau nhưng có đôi khi, quyết định của cả 2 có dài lâu hay không đều phụ thuộc vào số tiền họ có trong tay.
Tại sao tôi lại nói như thế? Bởi vì ở phần bình luận, tôi đã thấy rất nhiều trạng thái tình cảm chân thật nhất của những người trẻ tuổi, rất nhiều bạn đã để lại những lời trực tiếp đâm thẳng vào tâm can của người khác:
– “Ít ra thì nhà và xe cần phải được giải quyết trước”.
– “Nhà ở thành phố tuyến 4, lương tháng 6000 NDT (~20 triệu VND) nhưng tôi vẫn không dám kết hôn”.
– “Sống ở Thâm Quyến, tôi nghĩ là cần tối thiểu 15 nghìn NDT (gần 50 triệu VND), vả lại cũng đừng nên nghĩ đến việc sinh con”.
Họ nói về những khó khăn, bày tỏ về những áp lực đang gánh trên vai. Trước khi kết hôn còn cần phải kiếm tiền trước đã trở thành một trở ngại trước mắt của những người trẻ.
Tất nhiên, tôi cũng từng gặp một vài người không hề quan tâm đến tình trạng tài chính của đối phương, muốn kết hôn thì kết hôn. Tiểu Khiết, một cô gái mà tôi biết, vừa tốt nghiệp đại học là kết hôn với bạn trai 5 năm của mình.
Chồng cô ấy có chí tiến thủ, công việc rất thuận lợi còn cô ấy cũng không hoàn toàn ở suốt trong nhà, đã tìm được một công việc nhàn nhã. Đương nhiên thu nhập của cả 2 không quá cao nhưng cũng đủ chi tiêu trong nhà.
Năm thứ 2 sau khi kết hôn, họ sinh con, cuộc sống chồng đi làm vợ lo nội trợ rất thư thái.
Nhưng không phải ai cũng có được may mắn như cặp vợ chồng này, nhiều người trẻ xung quanh tôi phải cố gắng làm việc mới đủ chi tiêu cho bản thân, yêu đương còn không dám thì nói chi đến việc kết hôn.
Trước hiện thực đó, hầu như mọi người đều giữ thái độ “tam thập nhi lập” (Lời dạy của Khổng Tử: Tuổi 30 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời con người, phải hiểu được lễ nghĩa, cuộc sống ổn định); cho rằng khoảng thời gian tươi đẹp không nên lãng phí, chỉ khi nào kiếm đủ tiền thì mới có thể kết hôn.
Thật ra, không chỉ có người trẻ tuổi mới có suy nghĩ như thế, khi đồng nghiệp Tiểu Phong và bạn gái ra mắt bố mẹ đều bị gia đình 2 bên hỏi đi hỏi nhiều lần, nhất là mẹ vợ:
– “Có tính toán gì cho tương lai chưa?”
– “Tiết kiệm thôi thì không được đâu, còn phải kiếm ra thật nhiều tiền mới được đó”.
– “Công việc hiện tại sao rồi, 1 tháng kiếm được bao nhiêu”.
Những câu hỏi này dường như là những vấn đề khiến thanh niên hiện nay khó chịu và không muốn trả lời, nhưng trên thực tế, đó đều là những bất an của các bậc phụ huynh 2 nhà.
Họ đã sống gần một đời người nên hiểu rất rõ, dù kết hôn không tốn quá nhiều tiền, chỉ cần tầm 9 NDT là xong việc. Nhưng cuộc sống hôn nhân lại do bữa cơm 99 NDT, bộ trang phục 399 NDT và tiệc cưới 999 NDT tạo thành. Đôi khi không có tiền bạn cũng không thể thuyết phục được mẹ vợ cho cưới.
Cách đây không lâu, trên Zhihu có người hỏi: “Bố đằng gái nói không có nhà sẽ không cho cưới, còn nói con gái nếu tự ý làm chủ thì sẽ đoạn tuyệt quan hệ. Là một người đàn ông, tôi nên làm thế nào đây?”.
Một trong số các phản hồi như thế này: “Bố muốn con gái có nhà rồi mới kết hôn, không phải là làm khó dễ gì mà chỉ hi vọng đảm bảo cuộc sống tương lai cho con gái, đây là tình yêu bản năng nhất của người làm bố làm mẹ đối với con cái”.
Sống đến từng tuổi này, họ hiểu rất rõ, chỉ dựa vào tình yêu, nghe sơ qua thì rất là đẹp đẽ. Nhưng xét đến những vụn vặt trong gia đình như củi gạo dầu muối, nếu không có tiền thì ngay cả cuộc sống đơn giản nhất cũng khó sống êm ấm.
Chỉ có giải quyết vấn đề tài chính trước hết, thì phần còn lại mới là tình yêu vững chắc.
Nhưng cũng không thể nói nhất định phải có khoản tiền bao nhiêu đó mới được kết hôn. So với có nhiều của cải vật chất thì năng lực kiếm ra tiền mới là quan trọng, đặc biệt là khả năng cả 2 cùng nhau chi tiêu cho gia đình.
Trong chương trình I Can I BB, nhà kinh tế học Tiết Triệu Phong đã từng có 1 lý luận như thế này: “Hôn nhân giống như việc hợp tác trong kinh doanh, 2 người có vị trí ngang ngay, cùng chịu trách nhiệm và chia sẻ rủi ro”.
Hôn nhân đặt 2 con người lên cùng 1 chiếc thuyền, 1 bên chìm thì bên còn lại cũng sẽ chìm theo, chỉ có 2 bên cùng hợp sức, cùng nhau cố gắng thì con thuyền này mới có thể nổi lên và vững vàng.
Nếu nói vật chất là sự đảm bảo cho tình yêu thì tình yêu chính là động lực khiến con người nỗ lực tạo ra vật chất. Đây chính là lý do mà tại sao rất nhiều người sẵn sàng kiếm tiền trước tiên, hoặc ổn định sự nghiệp của bản thân trước tiên rồi mới tiến đến quyết định kết hôn.
Theo đuổi tiền bạc không phải là tôn sùng đồng tiền mà là hi vọng cuộc sống của bản thân sau khi kết hôn không đến mức gà bay chó nhảy. Nó có thể giữ lại thể diện tối thiểu, để bản thân bạn và người bạn yêu thương không vì thiếu hụt tài chính mà rời xa nhau.
Cho nên, chúng ta không nhất định phải tích đủ một số tiền nào đó mới dám bước vào tòa lâu đài hôn nhân. Chúng ta luôn hi vọng cùng người mình thương vì tình yêu mà chi ra nhiều thứ, cùng nhau duy trì một cuộc hôn nhân đàng hoàng trong mắt mọi người.
Nguồn: Weibo Việt Nam (Dịch bởi: Hy Li)