Trong triều đại phong kiến của nước Việt Nam, triều đại ngắn nhất là triều đại của nhà Hồ chỉ kéo dài 7 năm với 2 đời vua (1400–1407) nhưng đã để lại nhiều dấu ấn với những cải cách có giá trị thực tiễn. Quốc hiệu Đại Việt đã đổi thành Đại Ngu năm 1400.
- Hồ Quý Ly: Niên hiệu là Thánh Nguyên (1400 – 1400) Hồ Quý Ly giành giang sơn từ nhà Trần và lên ngôi năm 1400. Ông trị vì một năm thì trao ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng, nhưng vẫn quyết đoán mọi công việc. Hồ Quý Ly sinh năm 1335, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa).
- Hồ Hán Thương: Niên hiệu là Thiệu Thành (1401–1402), Khai Đại (1403–1407). Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ diệt vong từ đây. Tuy tồn tại ngắn, nhưng nhà Hồ cũng để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là cuộc cải cách toàn diện đất nước, được đánh giá có giá trị thực tiễn và đi trước thời đại.
Dưới triều Hồ Hán Thương, năm 1401 đã cho làm sổ hộ tịch trong cả nước, lập phép hạn chế gia nô. Năm 1403, di dân không có ruộng đến Thăng Hoa (vùng đất mới thu được sau khi Chiêm Thành dâng nộp năm 1402, gồm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa tức là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay, huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). Cùng năm đặt Quảng tế (cơ quan coi về mặt y tế).