Theo cuốn Hội chân biên của Thanh Hoà Tử in vào năm thứ 7 đời Thiệu Trị (1847), thì ở Việt Nam có 27 vị thần sinh ra hay đã từng sống trên đất nước ta, trong đó có 14 vị là các nữ thần. Do sự lựa chọn tài tình của dân gian, trong các vị thần linh ấy có bốn vị được suy tôn là Tứ bất tử (bốn vị Thánh bất tử): Đức Thánh Tản, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Trong tâm thức dân gian đó là biểu tượng của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc ta, của đất nước ta từ thuở xa xưa cho tới ngày nay. Việc thủ phụng đã có từ lâu và phổ biến trong cả nước.
- Đức Thánh Tản
Theo truyền thuyết Thục An Dương Vương là người đầu tiên lập đền thờ Tản Viên. Nhà Lý đã phong Tản Viên là “Thượng đẳng tối linh thần” và “Đệ nhất phúc thần”. Đền chính là Đền Thương trên núi Ba Vì ngoài ra ở các nơi khác đều có đền thờ Thánh và các bộ tướng tập trung nhất là ở các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Nam Hà.
Để tưởng nhớ công đức Thánh Tản Viên ở Đền Và (Ba Vì) cứ ba năm một lần nhân dân mở hội lớn với lễ thức rước bài vị Thánh qua sông Hồng, lễ tắm ngai, đánh cá thờ, tục thờ làm cỗ thờ 99 đuôi cá, làm tiệc gỏi.. Hội ở các nơi khác với các trò độc đáo như múa Rô, cướp Kén múa Gà phủ, rước Chúa gái (My Nương), trò Tản Viên đánh Thục… Trong tâm thức dân gian thì Tản Viên Sơn Thánh là biểu tượng của sức mạnh liên kết, liên kết giữa đất và núi liên kết giữa các bộ lạc liên kết giữa con người và thánh thần… sự liên kết ấy tạo nên con người khổng lồ, thông tuệ, không những có sức mạnh xẻ núi, khơi sông, dời non, lấp bể, chiến thắng mọi trở lực hung bạo để bảo vệ đất đai, ruộng đồng, làng mạc khẳng định sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ mà con có sức mạnh sáng tạo vô biên về giá trị văn hóa của lòng nhân ái cứu nhân độ thế.
Tượng Đức Thánh Tản tại Đền Thượng- Vườn Quốc gia Ba Vì
- Chữ Đạo Tổ
Người Việt thờ Chữ Đồng Tử như ông tổ của đạo thờ tiên ( Chữ Đạo Tổ). Tiên theo quan niệm dân gian là người ở cõi trời giáng trần hoặc là người trần giới có đức độ, tài ba, đạo cốt qua tu luyện thành tiên sau đó dùng phép lạ của mình để cứu nhân độ thế được dân gian tôn thờ, ngưỡng mộ.
Chủ Đồng Tử và nhị vị phu nhân được thờ ở nhiều nơi thuộc tỉnh Hưng Yên như Đa Hoà, Dạ Trạch, vv, thuộc Hà Nội như xã Tự Nhiên.
Chử Đồng Tử đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu thảo, nhân ái mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng đồng: mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy thành cánh đồng tốt tươi trồng dầu nuôi tằm dệt vải và phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt một nghề mới mẻ là nghề đi buôn. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã mở ra một hướng mới cho sự phát triển dân tộc, tạo nên sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài.
Lễ hội Chữ Đồng Tử – Tiên Dung
- Đức Thánh Gióng
Biểu tượng Thánh Gióng được nhân dân tôn thờ là một lẽ sống, một đạo lý của con người.
Tương truyền từ thời Hùng Vương, để ghi nhớ công lao của chàng trai làng Gióng, nhà vua đã lập đền thờ ở làng và tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Đến thời nhà Lý, Lý Công Uẩn sau lần được chứng kiến Thánh Gióng linh ứng nên đã tu bổ đền thờ, tạc tượng, truy phong là Xung Thiên Thần Vương.
Từ thời nhà Trần trở về sau đều phong tặng sắc thần cho Thánh Gióng như: Thượng đẳng phúc thần, Nhất Vị Phổ Tế Cương Nghị Hiểu, Hựu Anh Linh…
Ngoài đền thờ chính ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội còn có đền thờ ở Sóc Sơn, ở núi Vệ Linh – nơi mà Thánh Gióng đánh giặc xong cởi áo giáp sắt treo lên cây, bay về trời. Ở làng Xuân Tảo, làng Phú Viên ngoại thành Hà Nội đều lưu giữ những vết chân ngựa hoặc chỗ ngồi ăn cơm của Thánh Gióng… Nhiều địa phương cũng thờ Thánh Gióng cùng với các vị anh hùng cứu nước khác như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…
Để tưởng nhớ công lao của Thánh Gióng, hằng năm nhân dân mở hội vào ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch. Trong những ngày hội có các nghi lễ như rước nước, tập trận săn hổ, cờ tướng, múa hát, chèo tuồng…
Với Thánh Gióng, trong tâm thức của người dân đất Việt đó là hào khí của bản hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vong lại niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dàn tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, còn là bản tình ca tuyệt đẹp về tình mẫu tử về trách nhiệm của con người đối với Tổ quốc.
Tượng Phù Đổng Thiên Vương
- Thánh Mẫu Liễu Hạnh:
Trong huyền thoại dân gian vẫn tin rằng Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi bị đày xuống trần gian. Nàng cũng đã có một thời ngao du mọi nơi, trêu người này, ban ơn cho kẻ khác. Sau khi giáng trần lần thứ hai tiên chúa tiếp tục với nhiều trò trêu ghẹo người đời nhiều lần đánh nhau với cả quân lính của triều đình. Vua sai đạo sĩ cầm quân được Liễu Hạnh. Nhưng đức Phật đã cứu và trả tự do. Triều đình phong thần Liễu Hạnh được tôn là Nữ Hoàng Công chúa rồi Thế Thắng Đại vương. Từ đó Liễu Hạnh trở thành bậc siêu nhân luôn ban ân đức cho mọi người, góp phần đánh giặc ngoại xâm trừng phạt kẻ phản nghịch. Bà được nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Đền thờ của bà được lập ở nhiều nơi trong đó Phủ Giầy (Vụ Bản). Thạch Thành (phố Cát) và Hà Trung (Đền Sòng).
Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Liễu Hạnh là một trong từ bất tử là vị thành của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất của nó là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Trong tiềm thức của nhân dân, Liễu Hạnh là 1 vị thần, một biểu tượng đa dạng, sinh động, một nhân vật bình thường nhưng thật phi thường. Qua đây là sự khẳng định quyền sống của con người khát vọng tự giải phóng, nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng người mẹ.