Chuột rút chân lúc ngủ đêm là sự co cơ xảy ra ở cơ bắp chân, cơ bàn chân trong lúc ngủ. Biểu hiện chủ yếu là cẳng chân duỗi đơ với các ngón chân quắp xuống, xảy ra thoáng qua trong vài giây hoặc vài phút và đau kéo dài một lúc sau đó.
Chuột rút ban đêm hay xảy ra với người lớn tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ ai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút nhưng thông thường là do làm việc quá sức, bị thương, bị kích thích do lạnh, phụ nữ có thai, người già do thiếu canxi hoặc gây ra bởi tác dụng phụ của thuốc.
Khi lâm vào tình trạng này, hãy bình tĩnh ngồi dậy, dùng hai lòng bàn tay đặt nhẹ lên cơ bắp chân rồi xoa xát nhẹ nhàng trong 1 phút. Chú ý không được dùng lực quá mạnh. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day bấm hai huyệt Thừa sơn và Thừa cân với một lực từ yếu đến mạnh, mỗi huyệt 1 phút, rồi dùng gốc bàn tay ấn vào cơ bắp chân trong 2 phút.
Theo sách “Giáp Ất”, vị trí huyệt Thừa sơn: Nằm ở bắp chân, trong chỗ lõm của khe hai bắp thịt. Người ta thường xác định vị trí của huyệt Thừa Sơn ở đỉnh của góc tạo nên bởi đầu dưới phần thịt của hai cơ sinh đôi ngoài và trong, chỗ tiếp giáp nhau ở sau bắp cẳng chân (kiễng bàn chân góc sẽ hiện rõ). Vị trí huyệt Thừa cân: Từ điểm giữa nếp nhăn ngang kheo chân đo thẳng xuống 2 thốn, rồi từ đây nối với huyệt Thừa sơn, điểm giữa của đoạn nối này là vị trí huyệt Thừa cân.
Cuối cùng, dùng hai bàn tay ôm lấy bắp chân rồi lăn qua lăn lại từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong 2 phút. Để phòng ngừa chuột rút ban đêm, nên chú ý uống đủ nước và ăn đủ muối khoáng, nhất là khi bị mất mồ hôi nhiều. Trước khi đi ngủ nên dùng dầu nóng xoa bóp cẳng và bàn chân hoặc ngâm chân bằng nước muối nóng. Khi ngủ không được để chân bị lạnh. Nếu bị chuột rút liên tục nhất thiết phải đi khám tại các cơ sở y tế để xác định rõ nguyên nhân và tiến hành điều trị triệt để.
TS. Hoàng Khánh Toàn