Karl Marx thường được phiên âm tiếng Việt là Các Mác (sinh 05/05/1818 – 14/03/1883) là một nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà lý luận chính trị, nhà báo và nhà cách mạng người Đức gốc Do Thái.
Karl Marx là bậc vỹ nhân, có ảnh hưởng lớn, với những đóng góp cho triết học, kinh tế chính trị, xã hội, sử học. Chủ nghĩa Marx trở thành nền tảng tư tưởng cho các phong trào xã hội và cộng sản quốc tế, là hệ thống triết học có giá trị cung cấp thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận để nhận thức con người và thế giới.
Cuốn sách Hành trình trí thức của Karl Marx của Giáo sư Nguyễn Văn Trung không bàn về đóng góp của Marx, hay trình bày lại những cột mốc trong cuộc đời ông. Sách đưa ra góc nhìn về Marx như một trí thức, muốn từ khía cạnh cuộc đời để góp thêm cách hiểu về tư tưởng Marx.
KARL MARX – CẢ CUỘC ĐỜI PHỤNG SỰ VÌ NHÂN LOẠI
1. Một học sinh trung bình, nghịch ngợm, hay làm thơ mỉa mai
Marx sinh ngày 5/5/1818 ở Trier – thành phố cổ kính nhất nước Đức. Gia đình Marx dòng dõi Do Thái nhưng chống đối truyền thống chật hẹp, giáo điều của đạo Do Thái, chủ trương lãnh đạm trước mọi tôn giáo.
Bố ông làm luật sư với tư tưởng cởi mở cả học thức chính trị lẫn tôn giáo. Ông bố Heinrich Marx tham gia các tổ chức khoa học, văn hóa có tinh thần tự do, cởi mở, thỉnh thoảng cho cậu con đi dự với mình ở những buổi sinh hoạt của các tổ chức đó.
Thời niên thiếu, Karl là một học sinh trung bình, rất nghịch ngợm nhưng hay làm thơ châm biếm đả kích những kẻ đối nghịch trong nhà trường. Wyttenbach – một thầy giáo duy lý – có ảnh hưởng tới Marx trong những năm ông đi học.
Từ năm 16-17 tuổi, khi viết bài luận với đề tài “Suy nghĩ của một người niên thiếu trước việc chọn nghề”, Marx đã đưa ra những câu với ý nghĩa như một tuyên ngôn: “Lịch sử vẫn coi là vĩ nhân những người tranh đấu cho hạnh phúc của mọi người, kinh nghiệm cũng đã chứng minh rằng những người sung sướng hơn cả là những người làm cho nhiều người được hạnh phúc, còn tôn giáo thì dạy chúng ta biết con người lý tưởng mà ai cũng phải bắt chước, là người hy sinh cho nhân loại…”.
“Khi chúng ta đã chọn một nghề nghiệp cho chúng ta để dễ dàng phục vụ nhân loại hơn cả thì những nặng nhọc không làm cho ta nản chí vì đó chỉ là những hy sinh đem lại hạnh phúc cho tất cả” – Karl Marx
“Lúc đó chúng ta sẽ không hưởng những thú vui ích kỷ, ti tiện, nhưng là một niềm vui sướng được hàng triệu người chia sẻ, những việc làm của chúng ta kéo dài mãi mãi những hậu quả của nó trong thầm lặng và những tro tàn của chúng ta sẽ được tưới bằng nước mắt nóng hổi của những người có trái tim quảng đại”.
Năm 1835, Marx học đại học, ghi tên vào trường luật theo ý của bố, nhưng ông cá nhân thích văn chương nên ông ghi tên học vài môn bên khoa văn.
Marx gia nhập các tổ chức của sinh viên, ví dụ như “Câu lạc bộ quán rượu” (chỉ có mục đích uống rượu, nhảy, đánh lộn), từng bị cảnh sát bắt giam vì uống rượu say phá rối trật tự ban đêm.
Kỳ nghỉ hè năm đại học đầu tiên, Marx đã đính hôn bí mật với người bạn từ lúc thơ ấu Jenny Von Westphalen – một cô gái trong gia đình quý tộc, một hoa khôi của thành phố.
Hết hè, Marx quay lại trường với mong muốn làm sao nhanh chóng học xong để đính hôn với Jenny. Giai đoạn này, ông làm thơ rất nhiều để tặng bạn gái. Marx còn viết kịch, một tiểu thuyết dở dang, biểu lộ chuyển biến nhận thức và sự thay đổi tâm trạng của Marx.
Theo học luật, nhưng Marx nhận thấy “không có một hệ thống triết lý, không thể đi tới cái gì liêm chính”. Bởi vậy ông tìm hiểu triết học, và chịu nhiều ảnh hưởng của Hegel. 23 tuổi, Marx bảo vệ luận án tiến sĩ về triết học.
Mơ ước được dạy học, nhưng dự định không thành, nên sau khi tốt nghiệp, Marx chuyển sang làm báo. Ban đầu là một cộng tác viên với tờ Rheiniche Zeitung, về sau Marx được bầu làm chủ bút và trở thành linh hồn tờ báo, dù Marx trẻ hơn tất cả các đồng chí của mình.
Tờ báo bán rất chạy, nhưng vì đả kích không ngừng nhà vua, đả kích cả Nga hoàng nên báo bị đình bản.
Trong suốt 40 năm trời gắn bó, Engels luôn sát cánh trong những thử thách sóng gió của đấu tranh cách mạng, những giờ phút thất bại, lưu đày cùng cực đói khổ. Engels nâng đỡ gia đình Marx trong những ngày túng bấn ở London, cộng tác chặt chẽ trong công trình xây dựng chủ nghĩa Marx. Quãng thời gian làm báo Rheiniche Zeitung mang đến cho Marx một người bạn, một đồng chí thân thiết, trung thành từ khi gặp gỡ tới lúc nhắm mắt. Engels sinh ra trong gia đình có bố là chủ một xưởng thợ. Được thấy tình cảnh lầm than của thợ thuyền trong lòng chế độ tư bản đang thành hình, Engels sớm giác ngộ, có ý thức xã hội.
Những hoạt động cách mạng và triết học của Marx diễn ra trong thập niên 1840 – giữa lúc chủ nghĩa tư bản đang trong thời kỳ phát triển và giai cấp vô sản công nghiệp ra đời và có những hoạt động cách mạng chống chế độ tư bản.
Năm 1847, Marx và Engels gia nhập “Hội những người cộng sản”, đổi khẩu hiệu của hội từ “Mọi người đều là anh em” thành “Vô sản ở mọi xứ, hãy đoàn kết lại!”.
Đầu năm 19848, Marx soạn xong và gửi cho trung ương hội ở London “Bản tuyên ngôn cộng sản” nổi tiếng, là bó đuốc soi đường cho phong trào cộng sản.
2. Một tri thức vô sản, nghèo khổ nhưng giầu tình thương
Sau những mâu thuẫn nội bộ, đấu tranh lại những người bảo thủ, ấu trĩ, Marx gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là những cấm đoán từ chính quyền nhà vua, chính quyền này trục xuất Marx khỏi nước Phổ, lấy cớ Marx không có quyền công dân để không cho phép tờ báo Rheinische Zeitung tiếp tục.
Tờ báo làm cho Marx sạt nghiệp. Từ Đức ông sang Paris, nhưng ông lại bị trục xuất. Không thể sang Bỉ hay Thụy Sĩ, Marx tới Anh.
Marrx chuyển tới London tháng 5/1849. Trong vài năm đầu ông và gia đình sống rất nghèo khổ. Ông cộng tác viết bài cho tờ New York Tribunetừ năm 1851. Không phải bài viết nào của ông cũng được đăng, nhuận bút ít ỏi, thất thường. Marx sống trong suốt 10 năm với đồng lương duy nhất đó.
Gia đình Marx có 4 người con, mọi gia sản, vàng bạc nữ trang đều đã dốc hết vào làm báo khi trước. Bố mẹ hai bên đều không giúp đỡ, Marx rơi vào cảnh túng bấn quẫn bách, có lúc bị chủ nhà đuổi vì không trả được tiền thuê nhà.
Vợ của Marx, trong một bức thư viết cho Weydemeyer có đoạn: “Ngày hôm sau chúng tôi phải dọn đi. Trời lạnh, mưa phùn và xám xịt. Nhà tôi đi tìm chỗ trọ nhưng chẳng ai dám chứa khi thấy nói có những 4 cháu”.
Người bạn đời của Marx không nao lòng: “Nhưng ông đừng nghĩ rằng những cực khổ nhỏ nhen đó làm cho tôi ngã lòng, tôi thừa hiểu cuộc chiến đấu của chúng ta không lẻ loi, và tôi còn được số tốt vì nhà tôi luôn luôn bên cạnh và nâng đỡ tôi. Nhưng điều làm tôi tê tái thực sự đau thắt ruột lại, là thấy nhà tôi phải chịu đựng tất cả những cái nhỏ nhen đó”.
Trong những năm tháng cùng cực đó, mọi sự trông cậy cả vào Engels. Engels cũng túng, trở về làm thuê trong chính xưởng của gia đình mình, có đồng nào đều gửi cho gia đình Marx. Gia đình Marx chuyển đến ở khu bình dân nghèo. Dịch tả tàn phá dữ dội khu trọ cướp đi của Marx 3 người con. Ông phải đi vay tiền để mua cỗ quan cho con. Nhiều hôm, Marx phải trốn đi nơi khác để tránh bác sĩ, chủ hiệu thịt, sữa, bánh mì đến đòi nợ.
Tuy vậy, Marx không bỏ quên công trình của mình. Ông soạn thảo bộ sách lớn về kinh tế. Đến tháng 3/1867, bộ sách Tư bản luận đã hoàn tất và in xong. Marx vượt qua mọi khó khăn và làm được những việc phi thường ấy, bởi, lý tưởng của ông là “phục vụ nhân loại”.
Sau nhiều lần không trả lời thư Meyer, có lần Marx viết cho người bạn: “Mọi lúc, tôi có thể làm việc, tôi đều dành cho tác phẩm trên, một tác phẩm mà tôi đã hy sinh sức khỏe, nguồn vui sống và cả gia đình tôi. Tôi mong rằng sự giải thích đó là đủ”.
“Nếu người ta chỉ muốn là con vật, dĩ nhiên người ta có thể dễ dàng quay mặt đi để khỏi nhận thấy những đau thương của nhân loại, và chỉ để lo cho chính bản thân mình. Nhưng thật tôi không coi tôi ra gì nếu tôi chết mà chưa hoàn thành được ít ra bản thảo cuốn sách của tôi”.
3. Quay lại đấu tranh cách mạng
Những năm 1860, phong trào thợ thuyền trỗi dậy ở Đức, Pháp, Anh sau gần 10 năm tan rã, tê liệt. Marx không thể làm ngơ, ông nhận lời tham gia Ủy ban dự thảo thành lập quốc tế lao công, sau đó thành lập “Đệ nhất Quốc tế”.
Phân tích chiến Pháp – Đức khi đó, Marx kêu gọi thợ thuyền Pháp chống chiến tranh, chống Napoleon, tạo điều kiện thiết lập nền cộng hòa.
Những người lãnh đạo “Công xã” đều có chân trong “Quốc tế” nhưng không phải do trung ương “Quốc tế” vận động, khuyến khích hay tổ chức Công xã. Tuy nhiên, khi Công xã bùng lên, Marx và Engels đều coi đó là đứa con tinh thần của Quốc tế cộng sản, là cuộc chiến đấu đầu tiên của giai cấp vô sản chống trưởng giả châu Âu.
Nhưng Marx cũng nhìn thấy trước Công xã sẽ thất bại, vì những khuyết điểm, sai lầm về quân sự, chính trị, không chiếm đóng nhà băng, không dám tuyên bố nội chiến và chiến tranh.
Công xã thất bại, nhưng thất bại không tiêu diệt hoàn toàn lực lượng thợ thuyền và không làm tê liệt ý chí đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Thất bại của Công xã làm cho Marx trở thành một “quái vật” trước dư luận của phản động. Những kẻ thù phao đủ tin xuyên tạc, vu khống như Marx đứng đầu “Quốc tế cộng sản” – một tổ chức âm mưu vỹ đại chống lại cả thế giới.
Họ bịa truyền đơn cho rằng Marx làm tay sai cho Bismarck, hoặc tung tin Marx làm giàu bằng cách thâm hụt quỹ của Quốc tế thợ thuyền đóng góp… thậm chí có tờ báo loan tin Marx đã chết.
Marx gặp sự chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đệ nhất Quốc tế. Những chia rẽ, phân tán do mâu thuẫn quyền lợi, tham vọng gây ảnh hưởng, muốn chỉ đạo giữa các lãnh tụ, các khu bộ khiến Quốc tế rơi vào tình trạng hấp hối.
Trong khi chưa nhìn ra hy vọng phục hưng phong trào thợ thuyền thì Marx mắc bệnh nặng. Sau nhiều năm chật vật, cực khổ về đời sống cùng gia đình, những khó nhọc mệt mỏi vì đấu tranh cho phong trào thợ thuyền, bảo vệ Quốc tế cộng sản, cùng với những cố gắng quá mức để hoàn thành bộ Tư bản, Marx kiệt sức và mắc bệnh gan.
Từ năm 1873, sức khỏe Marx sa sút trầm trọng, nhưng ông không bỏ dở soạn bộ Tư bản tập hai và tập ba. Lúc này, Marx đặc biệt chú trọng tình hình nước Nga, nhận ra một cuộc cách mạng đánh đổ Nga hoàng sẽ làm bùng lại những cuộc cách mạng ở châu Âu.
Năm 1881, người bạn đời của Marx qua đời, khiến ông đau khổ. Marx ốm liệt, trở nên yếu mệt. Ngày 14/3/1883 Marx qua đời.
Ông chết đi khi không được thấy những cố gắng, tranh đấu của mình có kết quả. 35 năm sau, nhờ Lenin, chủ nghĩa Marx thực sự có tác dụng tới lịch sử thế giới.
Link: https://bannenbiet.com/tuong-nho-karl-maxl-nha-tu-tuong-vi-dai/
Nguồn: Fanpage XDĐ