Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chính quyền địa phương ở nước ta bao gồm các cơ quan đại diện – quyền lực nhà nước ở địa phương do Nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và các cơ quan nhà nước khác thực hiện nhiệm vụ hành chính do cơ quan đại diện – quyền lực nhà nước ở địa phương thành lập hay do cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, nhằm quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương.
Chính quyền địa phương của nước ta là một bộ phận hợp thành, gắn bó hữu cơ của chính quyền nhà nước thống nhất, là hình thức pháp lý thông qua đó Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở địa phương. Vì vậy, tính nhà nước là thuộc tính vốn có của chính quyền địa phương ở nước ta. Các cơ quan chính quyền địa phương ở nước ta tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương trên cơ sở và nhằm thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và có sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước.