Một số bạn sẽ thường nghe câu vè “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định nằm lo, Thừa Thiên ăn hết“, nhưng vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa câu vè này bắt nguồn từ đâu? và nó có ý nghĩa là gì?
Đây là câu vè có từ rất xa xưa, từ thời tổ tiên chúng ta lập nghiệp trên 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế. Có một số người cho rằng 4 cầu vè này xuất hiện khi việc tuyển bổ quan lại từ thời Minh Mệnh trở đi (vì tên gọi tỉnh Thừa Thiên xuất hiện sau khi vua Minh Mệnh đổi tên mới vào năm 1822 (tên cũ là doanh Quảng Đức). Bây giờ chúng ta xem xét những từ “cãi, co, lo, ăn hết“.
Có thể hiểu 1 cách đơn giản vào thời kỳ lịch sử của câu này là:
– Quảng Nam hay cãi: Vùng đất Quảng Nam là nơi sản sinh nhiều nhà cách mạng, học rộng, nhìn xa, đã luôn “phản kháng” triều đình (và sau này là chế độ thực dân Pháp) – nên “hay cãi lại” (tranh luận hơn thua, đúng sai) không ngoan ngoãn, dễ sai khiến.
– Quảng Ngãi hay co: Chính là sự “co cưỡng”, không chịu khuất phục, có thể dùng từ bình dân một chút là “cứng đầu” !
– Bình Đình hay lo: Người Bình Định bản chất vốn đã là hiền hậu, chất phác, cầu an lại chịu thêm định kiến của nhà Nguyễn về nhà Tây Sơn, về phong trào kháng thuế, phong trào cần vương, phong trào chống Pháp – nhất là “mối liên hệ mật thiết của các gia đình hào phú & người dân Bình Định với phong trào Tây Sơn” – nên muốn yên thân, đành phải “lo lót cho các quan” ! (Nếu không sẽ bị “gây khó dễ” này nọ – có thể dẫn đến tù tội khi không được lòng “các quan” trên!).
– Thừa Thiên ăn hết: Người Thừa Thiên (Huế) tuy sống trong vùng đất mà về mặt kinh tế không được phong phú, đất hẹp, không phải là vùng giàu có về nông nghiệp, thương nghiệp, nhưng họ có nhiều điểm thuận lợi hơn các vùng miền xa Kinh đô khác. Có trường học lớn, có trường thi cho cả nước, có thầy giỏi, có người thân nhiều đời thay nhau làm quan (từ nhỏ đến lớn). Nên việc dễ dàng trong thi cử, và tiến thân làm quan.
Đây chỉ là một số ý kiến của tác giả câu vè hồi xưa, vào đặc điểm lịch sử như vậy nên mỗi con người ở mỗi vùng khác nhau. Còn bây giờ thì câu vè trên không hoàn toàn chính xác.