Vào ngày 18/6/2018, một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố rằng, trên thế giới hiện có hơn 1 tỷ khẩu súng, nhưng có tới 857 triệu khẩu (tương đương 85%) trong số này thuộc về dân thường. Trong đó, người Mỹ sở hữu tới 393 triệu khẩu. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng họ lại có tới 40% số lượng súng đạn trên toàn cầu.
Hoa Kỳ không những trở thành quốc gia sử dụng súng nhiều nhất thế giới mà đây còn là nơi chế tạo súng với số lượng khổng lồ, cung cấp vũ khí đến tất cả các cuộc xung đột trong suốt hơn 100 năm qua.
Nhưng liệu người Mỹ có phải là ông trùm sản sinh ra những khẩu súng đầu tiên trên thế giới mang tính cách mạng, quyết định đến vận mệnh nhân loại hay không? Hãy cùng KTQS đi tìm câu trả lời trong hành trình ngày hôm nay.
Mùa đông năm 1944, khi số phận của mọi bên tham chiến trong cuộc Đại chiến Thế giới lần II đang dần được định đoạt thì sáng sớm ngày 16/12 năm ấy, khoảng 300.000 binh lính Đức Quốc xã cùng hàng nghìn xe tăng bất ngờ mở cuộc phản công quy mô lớn xuyên qua khu rừng Ardennes nhằm phá thủng trận tuyến của quân Đồng Minh.
Mặc dù canh bạc của Hitler cuối cùng phải nhận lấy một thất bại ê chề nhưng ông ta cũng đã biến nơi đây trở thành một vở kịch đẫm máu. Lính Mỹ với những khẩu M-1 Garand khi ấy đã hoàn toàn bị áp đảo và đánh mất lợi thế chủ động khi đứng trước loại súng trường tấn công mới nhất của Phát xít Đức. Con số thiệt hại lên tới 77.000 người, với quân đội Hoa Kỳ thì đây là thảm kịch nhưng đối với Đức Quốc xã thì đây lại là thành công lớn đối với lần ra quân đầu tiên của StG 44 – một cái tên được mệnh danh là cha đẻ của mọi loại súng trường hiện đại. Tuy nhiên, danh hiệu này lại không phải dành cho nó, Fedorov Avtomat mới thực sự là khẩu súng trường tấn công đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Súng trường Fedorov được nghiên cứu và phát triển bởi nhà thiết kế người Nga Vladimir Fyodorov, nó bắt đầu được sản xuất hàng loạt để phục vụ cho các cuộc chiến vào năm 1916. Fedorov Avtomat nặng 5,2kg sau khi đã nạp đạn, chiều dài 1.045mm, nòng dài 520mm, sẵn sàng bắn thẳng 600 viên đạn vào đầu đối phương chỉ trong 1 phút. Ban đầu, nó được dự tính sử dụng cỡ đạn riêng, không có vành với sơ tốc đầu nòng lên đến 860m/s, nhưng do sự bảo thủ của Nga Hoàng nên loại đạn ưu việt ấy không bao giờ được đưa vào sử dụng mà thay vào đó là dùng đạn 6,5x50mmSR Arisaka kém cỏi hơn nhiều với sơ tốc đầu nòng chỉ 660m/s. Mặc dù, súng dễ bị nóng nòng do thiết kế tản nhiệt chưa thật sự hiệu quả, nhưng hiệu năng sử dụng của súng cực kỳ đáng kinh ngạc so với loại đạn mà nó sử dụng với công nghệ thời bấy giờ. Khi thử nghiệm, toàn bộ đạn được bắn ra đã trúng vào những tấm bia ở tầm 200m và 400m. Với khoảng cách không tưởng này, Fedorov Avtomat thực sự đã tạo nên ưu thế tuyệt đối cho Hồng Quân trước kỵ binh Bạch Vệ trong Nội chiến Nga. Đứa con của Đại úy Fyodorov sử dụng hệ thống nạp đạn bằng độ giật lùi nòng. Tức là khi bắn, khóa nòng sẽ được đẩy ra phía sau nhằm tống vỏ đạn rỗng ra ngoài. Sau đó, hệ thống trích khí sẽ nạp viên đạn mới vào khoang chứa đạn khi khóa nòng trở về vị trí cũ. Thiết kế này có một nhược điểm là dễ khiến các bộ phận bị ăn mòn, nếu bạn còn lười khoản hậu cần nữa thì chắc chắn rồi, kẹt đạn, hiệu quả tác chiến giảm là điều đương nhiên. Đã có 3200 khẩu được sản xuất và tham chiến cật lực trong Thế chiến I nhưng chúng lại nhanh chóng bị quân đội cho về vườn. Phải đến khi gặp tình trạng thiếu vũ khí cá nhân trong chiến tranh với nước láng giềng Phần Lan (1939-1940) thì Liên Xô mới bắt buộc trang bị lại Fedorov Avtomat.
Sau Thế chiến II thì không có nhiều người còn nhìn thấy khẩu súng trường tấn công đầu tiên trên thế giới này nữa, nhưng giá trị lịch sử của Fedorov Avtomat vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Bằng chứng là chúng ta đang ngày càng được chiêm ngưỡng nhiều khẩu súng trường tấn công với thiết kế hiện đại và tác chiến cực kỳ hiệu quả. Ngoài súng trường thì trang bị cá nhân của một người lính không thể thiếu đi loại vũ khí sát thương tầm gần, nhỏ gọn, vừa có thể bắn rải đối thủ vừa có thể phòng ngự, thứ mà tôi muốn nhắc đến đó chính là súng tiểu liên. Như chúng ta đã biết, súng tiểu liên được phát minh từ Thế chiến I và là vũ khí để ứng phó với giới hạn của chiến tranh trong các chiến hào. Gọn gàng và tự động hoàn toàn, chúng có thể nhanh chóng quét sạch chiến hào hoặc địa đạo của đối phương được trang bị súng trường có cơ số đạn ít ỏi và tốc độ khai hỏa chậm chạp. Súng tiểu liên sau đó đã theo chân lính dù, lính cơ giới và quân du kích xuất hiện trong các trận đánh đô thị của Thế chiến II. Nhưng quá trình này chưa bao giờ là dễ dàng cả.
Đúng vậy, ông tổ của súng tiểu liên đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại Đức dưới cái tên Maschinenpistole 18,I hay còn gọi là MP 18. Được thiết kế trong năm 1916, khẩu súng tiểu liên hiếm hoi nếu không muốn nói là độc nhất này được kỳ vọng sẽ trở thành thứ vũ khí giúp nước Đức “lật ngược thế cờ” trên chiến trường Châu âu trong Thế chiến I. Dù mang một sứ mệnh như vậy nhưng khẩu súng này lại không thể ra đời sớm hơn trước năm 1918, khi mà cục diện cuộc chiến vốn đã được định đoạt rồi.
Tuy nhiên, tôi thật sự ấn tượng với ngoại hình của nó với hộp tiếp đạn hình trống TM 08 chứa 32 viên với kiểu cách lắp ráp chẳng giống ai. Súng tiểu liên MP 18 có trọng lượng 4,18kg, chiều dài tổng thể 832mm nhưng các bạn có thể thấy nó lại sở hữu một cái nòng cực kỳ khiêm tốn, chỉ 200mm, được thiết kế với nhiều lỗ thủng nhằm giảm lực giật lên vai xạ thủ. Tổng cộng nó có ba phiên bản sử dụng được ba loại đạn khác nhau, bao gồm cỡ đạn tiêu chuẩn 9x19mm, cỡ 7,63x25mm và 7,65x21mm. Sử dụng cơ chế khóa nòng trượt mở, khẩu súng này có khả năng bắn với tốc độ tối đa khoảng 500 viên/phút với phiên bản sử dụng đạn 9x19mm. Do có chiều dài nòng rất ngắn nên MP 18 có gia tốc đầu đạn không thể “thảm” hơn, chỉ 380m/s. Gia tốc này chỉ đủ để viên đạn 9x19mm bay được xa khoảng 150m. Với các loại đạn lớn hơn, gia tốc thậm chí còn nhỏ hơn nữa và tầm hoạt động hiệu quả được “quảng cáo” chỉ tầm 80m đổ lại mà thôi.
Một điều đáng ngạc nhiên đó là không chỉ được sản xuất ở Đức, khẩu MP 18 còn được sản xuất bởi nhà máy sản xuất vũ khí ở Thanh Đảo, Trung Quốc dưới sự chuyển giao công nghệ của Berlin.
Cuộc đời binh nghiệp của ông tổ súng tiểu liên có vẻ như là một bản nhạc buồn nhưng về phần “anh cả” súng máy tự động thì lại trái ngược hoàn toàn, nó đã có một cuộc đời rực rỡ ngay từ những giây phút đầu tiên xuất hiện trên một xưởng cơ khí cá nhân nào đó vào cuối những năm 80 của thế kỷ 19. Chính xác là vào năm 1884, khẩu súng máy tự động đầu tiên trên thế giới Maxim ra đời dưới bàn tay tài hoa của kĩ sư người Anh gốc Mỹ Hiram Maxim. Lý do ban đầu để ông bắt đầu chế tạo ra siêu phẩm này chỉ từ một lần bắn thử súng trường tại hội chợ công nghiệp. Ông cảm thấy súng giật khá mạnh ra phía sau, mạnh đến mức, nếu người bắn không cẩn thận thì có thể bị vỡ bả vai. Maxim nghiền ngẫm, tại sao lại lãng phí một nguồn năng lượng mạnh đến như vậy? Liệu có thể tái sử dụng nó để đánh bật vỏ đạn vừa bắn đi đồng thời tự động nạp đạn mới cho khẩu súng được không? Không một ai trả lời, không một ai muốn nghe, họ chế nhạo thứ ý tưởng viển vông không có thật và sau đó, súng máy Maxim chính là câu trả lời đanh thép của tên kỹ sư mộng mơ này.
Mỗi khẩu Maxim nặng khoảng 64 kg với nòng dài 721mm, sử dụng cỡ đạn 7,62x54mm cùng tốc độ bắn đạt tới 600 viên/phút. Do quá nặng nên nó được đặt trên một cái xe kéo có 2 bánh cùng với một thùng chứa nước để làm mát nòng súng. Lực giật lùi được tận dụng để đẩy đầu đạn rỗng về sau, đồng thời nạp đầu đạn mới vào vị trí bắn. Bạn chỉ cần giữ cò và nòng súng, đạn sẽ liên tục liên tục được nã vào đối thủ, có thể nói việc giết người chưa bao giờ đơn giản đến như thế. Chắc hẳn nhiều người sẽ nhầm nó với khẩu Gatling Gun nổi tiếng thời ấy. Các bạn lưu ý hai khẩu súng này khác nhau ở chỗ, súng Gatling nhiều nòng muốn hoạt động được thì phải sử dụng tay quay, trong khi vũ khí của Hiram Maxim thì chỉ cần bắn bằng cách giữ cò mà thôi. Hiện đại nhưng không hề hại điện! Các bạn sẽ thấy, chỉ cần nâng tầm 1 chi tiết tưởng chừng như không mấy quan trọng là có thể khiến một đội quân lẻ tẻ tiêu diệt cả một sư đoàn.
Bằng chứng là trong trận đánh Shangani, 700 binh sĩ Anh đã chiến đấu chống lại 5.000 quân địch chỉ với 4 khẩu súng Maxim. Một trận chiến lấy ít địch nhiều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử quân sự thế giới. Tuy nhiên thì đó chỉ là một trong những vũ khí được sử dụng đại trà dành cho các lực lượng trong quân đội, trên thực tế loài người đã nghĩ đến việc cho ra đời những loại súng dùng riêng cho các binh chủng khác nhau. Và lực lượng đặc biệt mà tôi muốn nhắc đến ở đây đó chính là các xạ thủ bắn tỉa.
Họ được công nhận như một bộ phận cực kỳ quan trọng trong bất kỳ một lực lượng bộ binh hiện đại nào. Thế nhưng, điều đó không phải là luôn đúng. Thực tế là phải mất một thời gian rất dài thì hiệu quả và hiệu suất tác chiến của các tay súng bắn tỉa mới được thừa nhận, mà điều này chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật, sự chính xác và chính những vũ khí mà họ mang theo.
Và kiệt tác đầu tiên mở ra kỷ nguyên rực rỡ cho nghệ thuật bắn tỉa đó chính là Whitworth. Khẩu súng bắn tỉa đầu tiên của nhân loại được đưa vào sản xuất và sử dụng rộng rãi vào cuối thế kỷ 19. Nó có chiều dài 1200mm với nòng súng lên tới 840mm và là kiểu súng hỏa mai, nghĩa là thuốc súng và đạn sẽ lần lượt được nhồi vào súng từ đầu nòng bằng một cái que dài. Nhưng các bạn có nhận ra điều gì khác biệt ở khẩu súng này không? Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy Whitworth có nòng súng hình lục giác, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một loại nòng được thiết kế với hình dạng độc đáo như vậy. Cỡ nòng của khẩu súng này vào khoảng 11,5mm và hãy nhìn lên màn hình để cùng tôi chiêm ngưỡng viên đạn chì hình lục giác cực kỳ đặc biệt của nó.
6 cạnh trong nòng súng được khoáy tròn, có tác dụng giống như là những đường rãnh xoắn mà chúng ta còn gọi là khương tuyến, xuất hiện ở các dòng súng hiện đại ngày nay. Vào thời mà tất cả các khẩu súng đều dùng nòng trơn thì khẩu Whitworth rõ ràng có thiết kế vượt trội và có tầm bắn trong mơ đối với mọi xạ thủ lúc bấy giờ, khi có thể bắn trúng mục tiêu nhỏ bằng quả táo ở khoảng cách 200m một cách dễ dàng, điều mà không một khẩu súng trường nào khi ấy có thể làm được. Tuy nhiên thì nó lại có một số phận khá “lận đận”. Bị từ chối bởi Quân đội Anh do chi phí sản xuất quá đắt, Whitworth buộc phải bán cho Pháp và được Pháp viện trợ cho lực lượng Liên Bang trong cuộc nội chiến Mỹ.
Tổng cộng trong thời gian từ năm 1857-1865 đã có 13.400 khẩu được sản xuất và đưa vào tham chiến. Trong khi cả thế giới đang lăn lộn trong những hệ thống hầm hào của Thế chiến I thì người Anh lần đầu tiên đã đem thứ gọi là xe tăng đến quần thảo miền Bắc nước Pháp trong trận Somme vào ngày 15/9/1916. Nó đã thành công lớn khi khiến cho quân đội Đức hoang mang,
hoảng loạn, không biết mình đang phải đối đầu với thứ gì. Và cũng từ trận đánh đó, người Đức với những cái đầu đầy chất xám đã chế tạo ra mẫu súng chống tăng đầu tiên trên thế giới Mauser 1918 T-Gewehr. Tất nhiên, trước đó cũng có một số mẫu súng chống tăng khác, nhưng đây mới là khẩu súng hoàn chỉnh và ngay từ ban đầu nó đã được thiết kế cho mục đích chống lại các loại xe tăng và xe bọc thép của đối phương.
Về thiết kế thì Mauser 1918 không hầm hố như nhiều người vẫn nghĩ, nó gần như là một mẫu súng trường phóng to được làm bằng thép và gỗ. Do đó, trọng lượng của súng khá nặng lên tới
18,5kg bao gồm cả giá đỡ, tương tự như các dòng súng bắn tỉa ngày nay. Chính vì vậy mà mỗi tổ đội của Mauser 1918 cần tới hai người gồm một xạ thủ và một nạp đạn kiêm trinh sát. Để có thể xuyên được lớp giáp dày 12mm của những chiếc xe tăng hạng nặng Mark của Anh, quân Đức đã sử dụng loại đạn 13.2×92mmSR hay còn được biết tới cái tên 13.2 TuF được thiết kế dành riêng cho Mauser 1918 với khả năng xuyên lớp thép dày tới 15mm ở tầm bắn 300m. Chiều dài của khẩu súng này lên tới 1,7m, nên nó bị đánh giá là kém cơ động trên chiến trường khi các tổ đội chống tăng phải liên tục thay đổi vị trí của mình trước khi bị hỏa lực từ xe tăng đối phương phát hiện. Tuy nhiên, việc không sở hữu được thêm bất kỳ mẫu súng chống tăng hiệu quả nào khác đã buộc quân Đức phải sử dụng Mauser 1918 cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Kẻ đi đầu trong giới súng chống tăng sử dụng cơ chế lên đạn khóa nòng then xoay, bắn phát một và lên đạn thủ công. Độ giật của súng khi bắn khá lớn nên một phần nào đó ảnh hưởng tới độ chính xác của đường đạn, mặc dù nó được trang bị giá đỡ bằng sắt nặng hơn 2kg. Xạ thủ chỉ có thể bắn tối đa 3 phát trước khi chuyển súng cho đồng đội của mình. Khả năng xuyên phá của Mauser 1918 tùy thuộc vào khoảng cách giữa xạ thủ so với mục tiêu. Nó có thể dễ dàng bắn xuyên một chiếc Mark-V ở khoảng cách 100m với khả năng xuyên giáp tới 20mm nếu phát bắn chính xác. Sơ tốc đầu đạn của Mauser là 780m/s với tầm bắn hiệu quả 500m.
Dù được đưa vào tham chiến trong năm 1918 khi chiến tranh gần kết thúc nhưng số lượng Mauser 1918 được quân Đức sử dụng lên tới gần 16.000 khẩu Thậm chí nó còn được Quân đội Anh sử dụng nhưng với số lượng cũng khá hạn chế. Còn bây giờ, các bạn hãy dừng lại vài giây để quan sát xem khẩu súng này có tên là gì? Nó là một trong những khẩu súng khá quen thuộc với những ai thường hay xem các phim Trung Quốc bối cảnh thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, mà nổi tiếng nhất có thể kể đến như Bến Thượng Hải. Là loại súng được Đức sản xuất từ 1895-1936, được mua nhiều nhất bởi Liên Xô và Trung Quốc thời kỳ đó.
Vâng! Đó chính là Mauser C96 – dòng súng ngắn bán tự động đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1896. Ở thời điểm Mauser C96 xuất hiện nó gần như là một tượng đài bất bại, làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về sức mạnh của một khẩu súng ngắn. Phần lớn siêu phẩm đều sử dụng cỡ đạn súng ngắn phổ biến thời bấy giờ như 9×19mm Parabellum, 8,15mm Mauser, 8mm Gasser. Thậm chí, nó còn có phiên bản sử dụng cỡ đạn 7,63x25mm Mauser cực độc, cho phép nó hoạt động như một khẩu súng trường thu nhỏ với cơ số đạn lớn hơn. Súng có cơ chế trích khí ngắn, khóa nòng đôi, điều này cho phép Mauser C96 bắn với tốc độ rất nhanh, thậm chí là liên thanh. Do là một khẩu súng ngắn có cỡ đạn và chiều dài nòng khá ngắn nên độ giật của Mauser C96 là không đáng kể dù bắn ở chế độ nào đi nữa Gia tốc đầu nòng rơi vào khoảng 425m/s, cho tầm bắn tối đa lên tới 200m và tầm bắn hiệu quả vào khoảng 100m, ngang tầm với đàn em hiện đại thời nay.
Tuy nhiên thì tôi thấy điểm hạn chế của Mauser C96 đó chính là nó có cơ chế nạp đạn cực kỳ nguy hiểm. Các bạn chú ý khi rút vỉ đạn ra khỏi khay, chốt khóa nòng sẽ ngay lập tức nảy về vị trí đóng nên cần thao tác thật nhanh chóng vì đã có rất nhiều người bị kẹp ngón tay khi sử dụng khẩu súng này. Ngoài ra, Mauser C96 còn có thiết kế khá phức tạp dẫn tới việc khẩu súng này cần được bảo quản tốt, chỉ cần một chút bụi bẩn hoặc nước lọt vào bên trong súng thôi là việc kẹt đạn, kẹt cò sẽ xảy ra. Do có tầm bắn xa nên nó được người ta chế thêm đủ mọi loại phụ kiện để phục vụ cho mục đích bắn tỉa. Ngày nay thì Mauser C96 vẫn được các nhà sưu tầm súng săn đón với mức giá cho mỗi khẩu còn hoạt động được có thể lên đến hàng nghìn USD, mặc dù rất yêu thích súng nhưng khi nghe cái giá này có lẽ tôi chỉ nên mua nó dưới dạng mô hình. Giống với mọi khẩu súng Đức khác, Mauser C96 hoàn toàn có thể hoạt động tốt sau hàng trăm năm kể từ khi ra đời.
Khẩu cuối cùng được sản xuất vào năm 1937, trước khi Chiến tranh Thế giới lần II nổ ra hai năm. Vừa rồi là toàn bộ video về 6 thiết kế đầu tiên đánh dấu sự ra đời của từng loại súng kinh điển nhất trên thế giới và sức ảnh hưởng của chúng đối với tiến trình phân chia lục địa trong những năm tháng chiến tranh. Các bạn yêu thích khẩu súng nào nhất?
Nguồn : KTQS