Lễ hội đền Hát Môn (Hà Nội)

Đền Hát Môn, còn gọi là đền Quốc tế, đền Hai Bà Trưng, thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại.

Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa sinh vào cõi bất diệt. Đền quay hướng tây nam, gồm các công trình kiến trúc chính như: quán Tiên, miếu Tạm ngự, Nghi môn, nhà Phương đình, đàn Thề, Tam quan, Tiền tế, Trung đường, Hậu cung, Tả Hữu mạc, gò Giấu ấn, Nhà Tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, Nhà khách, khu phụ,… Đền Hát Môn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về văn hóa, lịch sử. Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg, công nhận di tích đền Hát Môn là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hội đền Hát Môn được tổ chức vào mùng 6 tháng Ba âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng. Cũng từ tích Hai Bà ăn bánh trôi trước khi tuẫn tiết, nên đại lễ dâng bánh trôi là nghi lễ độc đáo riêng có của đền Hát Môn. Nghi thức rước, dâng cúng Hai Bà và tiệc bánh trôi trong Lễ hội đều mang đậm yếu tố tâm linh, trở thành nét đặc sắc của Lễ hội này.

Theo phong tục, mỗi năm bô lão trong làng lại chọn nhà của gia đình hòa thuận, đủ đầy làm địa điểm làm bánh trôi để dâng lên Hai Bà. Gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng thượng hạng, thơm ngon, nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng. Bánh được làm hết sức công phu, khi chín có màu trắng, trong, tròn, không nát, to bằng quả mận và phải là bánh chay.

Bánh trôi dâng cũng phải đủ 100 viên rất nhỏ. Sau khi tế lễ xong, làng đem 49 viên đặt vào một bông hoa sen thả xuống dòng sông để trôi về biển cả. Món bánh này, đối với người dân nơi đây là một thứ bánh Thánh. Thánh thụ hưởng rồi dân mới ăn. Nếu chưa hết ngày mùng 6 tháng Ba, người dân Hát Môn sẽ không ăn bánh trôi, nhằm thể hiện lòng thành kính đối với Hai Bà Trưng.

Đại lễ dâng hương tại đền Hai Bà Trưng có nhiều nét độc đáo khác lạ. Mọi thứ trong đền thờ đều đi đôi: hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước, hai lư hương và khi tiến hành đại lễ thì có hai chủ lễ, hai người đọc chúc văn… Ngoài lễ hội vào mùng 6 tháng Ba, nhân dân Hát Môn còn tổ chức lễ hội vào mùng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp. Mùng 4 tháng Chín là ngày kỷ niệm Hai Bà tế cờ khao quân. Trong ngày này, dân làng kéo cờ đại, giết trâu, giết bò, lợn, dê để tế lễ. Lễ Mộc dục – 24 tháng Chạp là ngày hội lớn, hàng trăm trai thanh, gái lịch trong làng được tuyển chọn phù giá, 8 thiếu nữ được chọn theo hầu kiệu Hai Bà. Trong ngày này, tượng Thánh được rước ra sông làm lễ Mộc dục, rồi rước về đền làm lễ dâng tế, chúc tụng.

Lễ rước bánh trôi

Trong các ngày hội lễ ở đền Hát Môn, theo truyền thống, những người hành lễ tế, những người biểu diễn các trò vui và du khách không được mặc quần áo, đội khăn, mũ… màu đỏ, cũng như toàn bộ đồ thờ có trong đền không sơn màu đỏ, mà sơn đen. Vì Hai Bà Trưng, theo truyền thuyết trong vùng, đã chết giữa trận mạc nên máu của Hai Bà đã nhuộm đỏ mảnh đất nơi Hai Bà nằm xuống, chứ không phải Hai Bà đã tự tận trong chung cục, như truyền thuyết lưu truyền ở nhiều nơi khác.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *